“Triều trước(1) có ông Lê Trãi, hiệu là Ức Trai vốn người họ Nguyễn, con của Nguyễn Phi Khanh, người huyện Phượng Nhãn. Ông tin thuật phong thủy, nhân đó, cải táng mộ tổ đến làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc rồi làm nhà ở luôn làng ấy.
Thời Hồ, ông đỗ Tiến sỹ, làm quan đến chức Ngự Sử Đài Chánh Chưởng. Nhà Hồ mất, ông theo cha tránh loạn ở Côn Sơn. Ông từng làm thơ, có câu:
Dạ y ngưu đẩu vọng trung nguyên
(Đêm nhìn sao Ngưu, sao Đẩu mà trông mong).
Xem thế cũng đủ biết thơ ông thường nặng lòng ưu thời mẫn thế như thế nào.
Bấy giờ, có người quê ở làng Hoắc Sa là Trần Nguyên Hãn làm nghề bán dầu. Tối nọ, ông qua làng Thụy Hương và ngủ trong đền Hy Khang Đại Vương Lý Ông Trọng. Đêm khuya, ông thấy vị thần ở làng bên cạnh đến rủ Đại Vương lên chầu Thượng Đế, nhưng Đại Vương từ chối, nói rằng nhà có vị Quốc Công đang nghỉ lại, không thể đi. Chừng gà gáy sáng, vị thần làng bên đi chầu về. Đại Vương hỏi rằng hôm nay Thiên Đình bàn việc gì và có lệnh gì mới không. Vị thần làng bên nói:
- Thượng Đế xét rằng nước Nam nay vẫn chưa có chủ, nên đã sai Lê Lợi làm Hoàng Đế, Lê Trãi làm bề tôi.
Trần Nguyên Hãn tỉnh dậy, liền tìm cho được ông Trãi để bảo cho biết. Ông(2) liền đến đền Khang Hy Đại Vương để hỏi lại. Đêm ấy ông nằm mơ, thấy Đại Vương bảo rằng:
- Việc bí mật ở Thiên Đình, không ai được tiết lộ. Chị Tiên Dung biết tất cả. Đàn bà nói thì Thượng Đế không quở trách, vậy, ông hãy đem một vạn vàng mã đến lễ, chị ấy khắc nói cho biết.
Ông nghe lời, đến cầu bà chúa Tiên Dung. Trong mơ, được bà gọi đến nói:
- Này Lê Trãi, Lê Lợi làm Hoàng Đế, Lê Trãi làm bề tôi, nhà ngươi vẫn chưa biết ư?
Ông hỏi kỹ mới biết Lê Lợi người ở Lam Sơn, thuộc đất Thanh Hóa. Ông cùng Trần Nguyên Hãn tìm đến. Bữa ấy, Lê Lợi mặc áo ngắn, may bằng vải nâu, đang vác bừa và dắt bò từ ngoài đồng về nhà. Hai ông xin vào nhà nghỉ lại. Thế rồi vào ngày giỗ, Lê Lợi giết heo để làm cỗ. Ông Nguyễn Trãi xuống bếp, thấy Lê Lợi cầm dao thái thịt, vừa cắt vừa ăn, liền chạy lên nói nhỏ với Trần Nguyên Hãn rằng:
- Bà Tiên Dung lừa ta đấy.
Rồi hai ông bỏ về, quyết đến đền đòi vàng lại. Đêm ấy, bà Tiên Dung nói:
- Lê Lợi sẽ làm Hoàng Đế, mệnh lệnh đã dứt khoát rồi, chỉ vì Thiên Đình chưa giáng chỉ đó thôi. Hai ông sao không tới đó mà đợi.
Khi ấy, Lê Lợi đã được quyển binh thư và thanh gươm thần, đêm đêm đóng cửa đọc sách. Ông Nguyễn Trãi dòm trộm và cùng ông Trần Nguyên Hãn đẩy cửa bước vào. Lê Lợi liền tuốt gươm xông tới, hai người liền phục xuống mà thưa:
- Chúng tôi chẳng ngại đường xa lặn lội tìm đến, tất cả chỉ vì tin rằng minh công có thể làm chủ thiên hạ được đó thôi.
Lê Lợi cười mà lưu lại, cùng hai ông mưu việc khởi binh. Ông Nguyễn Trãi nói rằng chưa nên nóng vội. Ông dựng nhà dạy học và vẫn thường lấy mật đặc mà nặn thành hình con gà, con chó hoặc giả là làm trống bơi cho lũ trẻ chơi. Lũ trẻ đua nhau xin cha mẹ đến học. Ông lại hay lấy mỡ viết lên lá cây trong rừng mấy chữ
Lê Lợi vi quân
Lê Trãi vi thần
(Lê Lợi làm Hoàng Đế
Lê Trãi làm bề tôi)
Kiến đến ăn mỡ, vô tình đục lá mà thành chữ. Những người đi kiếm củi cho đó là điềm thiêng, cùng bảo nhau tìm theo về ngày một đông”.
Lời bàn: Xét người bắt đầu từ nết ăn, ấy cũng là phép thường của muôn thuở, cho nên, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn kinh ngạc khi thấy Lê Lợi vừa thái thịt vừa ăn dưới bếp, nào có gì là lạ đâu. Hai ông chán chường mà bỏ về, trăm sự là do ác cảm ban đầu nặng nề quá.
Song le, đại danh nho là Nguyễn Trãi, đại quý tộc là Trần Nguyên Hãn, tên tuổi bề thế là vậy mà có đủ sức giương nổi ngọn cờ cứu nước đâu. Mới hay, chỗ Lê Lợi thua hai ông là tiểu tiết, còn như chỗ Lê Lợi hơn hẳn hai ông lại là những gì căn bản và cần thiết nhất của đấng cái thế trong thời bấy giờ. Cuộc xung đột nội tâm diễn ra một cách rất tự nhiên trong hai ông, thật đáng để cho đời sau suy gẫm. Đành là nhân vô thập toàn, song, nếu chỉ thấy chỗ chưa hoàn toàn của người mà không thấy chỗ tốt đẹp của người, thì bất hạnh thay, chúng ta chỉ còn được sống với một xã hội tật nguyền đủ kiểu. Ai dám bảo rằng tật nguyền chẳng thể phạm đến ta? Nếu để tâm tìm chỗ tốt đẹp của người thì may mắn thay, chung quanh ta bao giờ cũng là thế giới của sắc hoa và tiếng nhạc, ai dám bảo đời ta không thi vị?
Đáng yêu sao, bước chân trở lại của Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn. Hình như ngọn đồi cao nhất mà họ phải vượt qua lúc về lại Lam Sơn là ngọn đồi không hề có tên trên bản đồ, ngọn đồi ấy ở ngay trong tâm tưởng của họ, ngọn đồi của sự trăn trở day dứt trước lúc chính thức trao gửi toàn bộ trí tuệ và sinh mạng của mình cho bậc xứng đáng giương cao ngọn cờ cứu nước cứu dân.
______________
1. Chỉ triều Lê thời Lê sơ.
2. Đây chỉ Nguyễn Trãi.