Ký ức- dòng sông và cây cầu
Thật ngạc nhiên khi tôi vào Google tìm kiếm tên bà đã không ra kết quả nào trọn vẹn, chỉ là nhắc tên trong một vài sự kiện chứ tuyệt nhiên không có một bài viết về cuộc đời bà. Tìm một bức ảnh về sự kiện vác đạn đã từng gây tiếng vang những năm chống Mỹ cũng không có. Vậy là tôi tự nhủ, nhất định phải đến tìm bà cùng với một nỗi băn khoăn khó tả…
Nhắc đến Nam Ngạn, tất thảy ai đó đều nghĩ đến Hàm Rồng. Cây cầu ấy giờ ở cách nhà bà 1km đường chim bay. Thành phố này, cây cầu này đã đi vào lịch sử. Từ năm 1964, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cầu Hàm Rồng- huyết mạch giao thông của cả đường sắt và đường bộ trên tuyến Bắc – Nam trở thành mục tiêu đánh phá số một nhằm cắt đứt giao thông vận tải chi viện vào chiến trường. Nhưng gần 10 năm trời, sau nhiều tấn bom đạn đổ xuống, nó vẫn sừng sững hiên ngang gác qua dòng sông Mã như một sự thách thức. Đó là một kỳ tích của quân và dân Thanh Hóa. Và cô dân quân Ngô Thị Tuyển nặng 45kg vác 98kg đạn pháo cao xạ tiếp sức cho trận địa của những ngày Hàm Rồng khói lửa giữ “yết hầu” giao thông cũng đã trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi khi người ta nói đến Hàm Rồng cho mãi đến sau này. Cùng với lớp dân quân thời ấy, bà đã làm nên nét tính cách đầy khí phách của con gái xứ Thanh.
Có một sự gắn bó kỳ lạ giữa cây cầu với những số phận con người nơi đây. Với bà cũng vậy, lớn lên tại làng Nam Ngạn, tham gia chiến đấu ngay tại quê hương. Lấy chồng, sinh cơ lập ngay bên dòng sông Mã. Hai kỷ niệm mà bà nhớ nhất ấy là một lần cùng đồng chí bộ đội phụ trách hậu cần gánh cơm lên đồi cho pháo thủ. Đồi dốc, dọc đường chẳng may đồng chí bộ đội bị vấp ngã, cơm đổ bị dính sạn, quay về nấu cũng không kịp nên vẫn gánh lên. Đồng chí bộ đội rất ăn năn và lo lắng. Biết điều đó, lên đến nơi bà đã bí mật nhận là mình đánh đổ, thế là vì nể cô dân quân, người chỉ huy chỉ cười xòa. Dù là câu chuyện nhỏ rất đời thường thôi nhưng bà lại nhớ. Sự kiện thứ hai là kỷ niệm về trận đánh ngày 26.5.1965. Hôm ấy Hải quân ta tổ chức đánh địch ở đảo Mê, lúc về lạch trú ẩn bị lộ mục tiêu, địch bắn 14,5ly, bộ đội hy sinh nhiều quá. Bà bế xác đồng đội gào to kêu ứng cứu. Số người bị thương rất nhiều, bà chạy lại giúp từng người, nhiều đồng chí ruột lòi ra ngoài bà phải dùng tay ấn vào trong bụng. Đến bây giờ những hình ảnh ấy vẫn in đậm trong người đàn bà đã sang tuổi xế chiều.
Câu chuyện của hôm nay
Đã ở tuổi 68 nhưng gương mặt bà còn rất trẻ. Tác phong lanh lẹ. Tôi nhắc lại chuyện hai phi công Mỹ từng bị dân quân Thanh Hóa bắt sống khi nhảy dù cách đây vài năm đã về thăm lại nơi họ “hạ cánh” gửi lại chiếc F4 trên bãi cát bến đò Đại, trong chuyến trở lại đó có đến thăm bà, bà cười bảo thi thoảng vẫn có người về thăm lại Hàm Rồng. Chuyến viếng thăm đó, hai cựu phi công không quen thời tiết đã bị cảm cúm, bà đã hồn nhiên vào nhà lấy dầu xoa cho họ. Cử chỉ đó thật hồn hậu, bình dị, trái ngược hẳn với hình tượng “nữ dân quân thép” năm nào và những hình dung của đối phương về bà khi chưa gặp mặt. Đó cũng là điểm nhấn ấn tượng với hai viên phi công Mỹ khi rời Thanh Hóa và trong suốt chuyến thăm Việt Nam. Bà bảo, người Mỹ trở lại nơi này với nhiều mục đích khác nhau, phần lớn là để nhìn lại cây cầu bướng bỉnh kiên cường đã nuốt của họ khá nhiều bom đạn và đã có lúc khiến họ cảm thấy bất lực, nhưng cũng có người đến Hàm Rồng với mục đích khác, kiếm tìm sự kỳ bí trong những con người bé nhỏ đã làm nên huyền thoại bên cây cầu này. Như nhớ ra, bà bảo: cô sẽ tặng cháu cuốn sách một tác giả người Mỹ viết về cô. (Một phụ nữ Mỹ sau thời gian cùng chồng công tác tại Việt Nam, thiện cảm và nể phục phụ nữ Việt đã quyết định viết cuốn sách Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, trong đó nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển là một nhân vật đậm nét. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt).
Những năm tháng tuổi già, mỗi khi trái gió trở trời là sống lưng bà lại đau nhức, đốt sống buốt, các ngón tay cũng tê cứng. Người ở tuổi gần 70 sức khỏe có vấn đề cũng là lẽ thường, nhưng với bà đó cũng còn là hệ lụy từ những năm tháng gắng sức gồng mình thời tuổi trẻ. Tôi bỗng mường tượng hình ảnh cô gái nhỏ nhắn trong buổi biểu diễn vác hơn một tạ cân nặng trước các nhà báo nước ngoài năm xưa. Đôi mắt như nhìn vào cõi xa xăm trong ký ức, giọng nói có bớt đi phần nào hào sảng, bà bảo, ngày thường chỉ vác 98kg, các nhà báo đã không tin, đòi biểu diễn lại để họ xem, thế mà khi biểu diễn bà như có thêm sức mạnh còn vác được hơn cả số đó. Có lẽ bà đã mang trong mình cả sức mạnh và sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam một cách đầy tự hào.
Theo Văn hóa quân sự, tháng 7.2009