Người cựu binh già và bài thơ 19 năm lưu lạc

Khi tôi đến ông đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm 50 năm đường Trường Sơn. Những bao tải, những chồng sách báo tranh ảnh, hiện vật được xếp đầy một góc nhà - những kỷ vật gắn bó suốt một đời binh nghiệp sẽ được ông giới thiệu cho thế hệ trẻ về một thời kỳ gian khổ mà hào hùng của dân tộc trên tuyến đường huyền thoại. Hãy gọi ông là một người lính, dù rằng, bên trong tâm hồn người lính ấy là đầy đủ hình hài và trái tim của một thi sỹ.

Người cựu binh già và bài thơ 19 năm lưu lạc ảnh 1

Từ Điện Biên Phủ...

“...Trường hợp Nguyễn Trọng Khoát là một trường hợp đặc biệt. Anh nổi tiếng trước tôi, trước Lê Lựu và những bạn bè khác của tôi. Anh thuộc thế hệ Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Duy Khán và những người khác. Nhưng cuộc đời không dành cho anh những ưu ái với nghề mà anh yêu. Anh phải lao vào cuộc chiến mà không còn chút thì giờ nào cho phép anh được sửa soạn. Và chính anh cũng hồn nhiên đến mức không tự lo gì cho chính mình: tất cả là dành cho đời, cho người...”. Đó là những lời mà khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật dành cho bạn thơ, đồng đội của mình, đại tá, nhà thơ Trọng Khoát.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An, thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Trọng Khoát chịu ảnh hưởng lớn của người chú Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đầu tiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an và cậu ruột Nguyễn Tiềm - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên - Chủ tịch Xô viết Nghệ Tĩnh từng bị Pháp đày đi tù và hy sinh tại Lao Bảo năm 1932. Nhập ngũ năm 1951, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh lính trẻ Trọng Khoát ở bộ phận kỹ thuật có nhiệm vụ tìm hiểu và đưa ra những phân tích để đồng đội đánh vào sân bay Mường Thanh. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, sau khi về tiếp quản Thủ đô, ông được bổ nhiệm làm giảng viên của Trường Sỹ quan Lục quân 1. Giặc Mỹ gây hấn miền Bắc, ông được cấp trên giao cho nhiệm vụ mới. “Hôm ấy thủ trưởng vừa cười vừa bảo với tôi, cậu được điều đi... nước ngoài và được... đi chiến đấu. Tôi rất bất ngờ bởi sự việc tưởng như mâu thuẫn ấy thì được giải thích, mình sẽ sang Lào để làm nhiệm vụ mà sau này tôi mới biết mình sẽ về vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Hạ Lào khi đường Trường Sơn được cấp trên thống nhất phát triển và mở rộng lên tầm chiến lược, thực hiện lực lượng cơ giới thay cho gùi thồ giai đoạn trước”. Suốt từ đó cho đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, những mảnh đất trên in đậm dấu chân người lính trẻ Trọng Khoát. Ông trực tiếp cầm súng chiến đấu, làm thơ và làm báo trong hoàn cảnh cam go ấy. Trọng Khoát phụ trách mảng văn hóa văn nghệ cho anh chị em bộ đội, thanh niên xung phong dọc tuyến đường Trường Sơn suốt 10 năm (1965 – 1975). Trọng Khoát cũng là người đầu tiên cùng với Hồng Kỳ thành lập tờ báo Trường Sơn phục vụ tuyên truyền, diễn đàn sinh hoạt tinh thần cho bộ đội Trường Sơn suốt một thời gian dài. Và trong hồi ký của mình, phóng viên chiến trường Hoàng Kim Đáng cũng tiết lộ, chính Trọng Khoát là người thầy đầu tiên của ông trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Thú vị hơn, bên những “lớp học cơ động” do ông sáng lập ra ấy, trong lĩnh vực hội họa cũng xuất hiện những tên tuổi lớn cho nghệ thuật nước nhà như: Hoàng Đình Tài, Mai Đức Dụ, Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Minh Đính...

Đến bài thơ 19 năm thất lạc

Kể cho tôi câu chuyện này, đại tá Trọng Khoát bảo, đấy là kỷ niệm mà suốt cuộc đời binh nghiệp cho đến bây giờ, khi đã 80 tuổi ông vẫn khôn nguôi nỗi ám ảnh. Nó mới như ngày hôm qua. Mỗi khi nhớ đến nó, ông vẫn còn như thấy đâu đây tiếng nói, giọng hát người con gái ấy, vẫn thấy mùi bom đạn như ẩn hiện và khuất lấp dưới những tán lá rừng Trường Sơn. “Hôm ấy tôi cùng với một đồng đội có dịp ra Ninh Bình. Trời về chiều, trước mắt chúng tôi là một cô gái có mái tóc dài. Hỏi thăm tôi mới biết em vừa đăng ký tham gia thanh niên xung phong và được phân công về đơn vị của chúng tôi. Về đơn vị, ai cũng sững sờ trước vẻ đẹp của Huệ, bên văn công muốn Huệ về, bên cứu thương cũng muốn có Huệ, bên báo Trường Sơn cũng muốn Huệ qua đó để đào tạo phóng viên. Chúng tôi sống trong một khoảng thời gian rất đẹp ấy cho đến một ngày, khi kết thúc đêm biểu diễn văn nghệ, Huệ trở lại đơn vị và vướng phải mìn. Chính tôi và đồng đội đã cáng em về đơn vị, dọc đường đi, máu em thấm qua võng, nhỏ xuống chân tôi buốt nhói. Em đã không qua khỏi. Trước khi chôn cất em, tôi đã làm một bài thơ, bỏ vào một chiếc túi nylon đặt vào người em rồi bỏ vào quan tài coi như lời đưa tiễn cuối cùng dành cho Huệ”.

Năm 1975, Đoàn quy tập mộ đã không thể nào tìm thấy thi thể của Huệ dù không ít đồng đội, khi hoạt động trong khu vực Phú Khao hy sinh thời gian trước đã được tìm thấy. Có lẽ, máu thịt của người con gái Việt Nam ấy đã hòa vào xanh thẳm núi rừng Trườâng Sơn huyền thoại. “Tôi không ngờ năm 1995, một cựu chiến binh ở Hà Tây đã gửi lại cho tôi chiếc túi nylon có đựng bài thơ ấy mà như lời anh nói, anh nhặt bên vệ đường Trường Sơn khi có dịp vào đấy. Tôi run run mở chiếc túi và những dòng chữ ố vàng hiện ra trước mặt đầy ám ảnh, kỷ niệm cũ ùa về. Nằm yên em nhé, ngủ ngon/ Để cho đầu cáng anh còn trở vai/ Đèo thì cao, dốc thì dài/ Vai đòn anh nghiến, phồng, chai, lại phồng/ Đau hơn là nỗi đau lòng/ Ghìm sâu tiếng nấc khỏi rung cánh đòn!/ Nằm yên em nhé ngủ ngon/ Máy bay giặc lượn anh còn ngụy trang/ Trời khô, đường nắng chang chang/ Võng thưa, máu giọt nóng bàn chân anh/ Lối vào trạm xá loanh quanh/ Em ơi đừng vĩnh biệt anh dọc đường/ Lời thương đồng đội, lời thương/ Những ai nằm lại chiến trường hôm nay...

Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, nhà thơ Trọng Khoát đã viết lại câu chuyện cảm động và cho in đầy đủ bài thơ đó. Bây giờ đã có 4 tập thơ, 2 tập ký nhưng ông vẫn khiêm nhường nhận mình là người cầm bút nghiệp dư. Cuộc đời gắn liền với nghiệp cầm súng bảo vệ đất nước như biết bao đồng đội khác. Giờ đây, ông không tham vọng gì nhiều, nếu còn sức khỏe, ông sẽ viết hồi ký, mà đúng ra là viết về cuộc đời binh nghiệp gắn liền với dải Trường Sơn.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.