
Nét đặc thù văn hóa của người Cơtu vùng cao của huyện Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam là xây dựng nhà Gươl và hát lý, nói lý. Nhà Gươl đối với đồng bào Cơtu như là hồn của làng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Cơtu cho rằng, mỗi làng của người Cơtu nếu không có nhà Gươl thì không gọi là làng, bởi mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều tập trung tại nhà Gươl. Sức mạnh của làng cũng thể hiện trong mỗi nhà Gươl. Làng nào có nhà Gươl to, đẹp, thể hiện làng đó giàu có và đoàn kết.

Còn khi giận nhau hoặc có bất hòa trong cuộc sống cộng đồng, bà con tổ chức những đêm hát lý, nói lý, mượn cảnh núi rừng để làm lành. Người ta muốn nhờ nhau hay muốn xin một điều gì đó, cũng hát lý. Có cả chuyện hát lý xin của, nếu bên nào thua thì phải đưa của cho bên thắng. Già làng ALăng Bờ bảo rằng chuyện hát lý xin của bây giờ đã giảm nhiều, chủ yếu là hát lý để giải tỏa những mâu thuẫn trong cộng đồng, làm cho tình đoàn kết của dân làng bền chặt hơn.

Nhiều năm qua, đồng bào Cơtu ở các huyện vùng cao Đông Giang và Tây Giang rất coi trọng xây dựng làng văn hóa mới, những giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi và phát triển. Đông Giang và Tây Giang đã xây dựng mới gần 40 nhà Gươl và có gần 30 thôn được công nhận là thôn văn hóa. Các huyện đang tập trung xây dựng mô hình làng văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống trong phát triển du lịch và kinh tế của địa phương.