Phát triển công nghiệp hỗ trợ là hướng đi đúng đắn
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận thấy, công nghiệp hỗ trợ dường như là một hướng đi đúng đắn để tái cơ cấu và phát triển công nghiệp cũng như tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới, đồng thời tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách phát triển toàn diện, bao trùm về công nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch trong thời gian tới để đưa ra chính sách phát triển công nghiệp toàn diện cho đất nước?
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Văn An (Bến Tre) cho rằng, Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá kết quả triển khai các chính sách này trong thời gian qua?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, cử tri có phản ánh cán bộ trong ngành gây khó dễ khi thực hiện các thủ tục hưởng chính sách ưu đãi với sản xuất công nghiệp cơ khí. Vậy, Bộ trưởng cho biết có tình trạng này không?
Khẳng định nhận thức rõ vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản và đạt được kết quả cụ thể. Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%... Công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao trình độ sản xuất, tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã trở thành doanh nghiệp đa quốc gia. Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ đã giúp thu hút nhiều doanh nghiệp FDI quy mô lớn vào nước ta, góp phần hình thành các trung tâm công nghiệp lớn ở nước ta.
Chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận, các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế, do nguồn lực đầu tư của nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, bị chồng chéo với nhau. Một số điều kiện hưởng ưu đãi trong quy định còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận để hưởng các ưu đãi của chính sách. Chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nội địa chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Hơn nữa, việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên trên phạm vi rộng. Sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương chưa thật sự hiệu quả. Ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ khó thu hút đầu tư vì tỷ suất lợi nhuận thấp và rào cản gia nhập thị trường khó khăn.
“Dung lượng của thị trường Việt Nam không lớn. Để doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài sẽ không dễ dàng”.
Nhấn mạnh thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này. Triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương…