Nét đẹp vùng Tháp Mười

Trong tiết trời thu Hà Nội, văn hóa Đồng Tháp có dịp khoe sắc với Thủ đô; qua đó thể hiện sự trân trọng và ý thức bảo vệ di sản văn hóa độc đáo của vùng Tháp Mười.

Đậm đà sản vật quê hương

Nhân sự kiện “Sắc màu văn hóa Đồng Tháp” vừa diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các nghệ nhân của Đồng Tháp đã mang đến những gì đặc sắc nhất, tinh túy nhất, từ ẩm thực đến những chiếc khăn rằn mộc mạc… Hấp dẫn trước nhất phải kể đến muôn vàn món ăn từ sen như: Gỏi ngó sen, chả giò, chả củ sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng, cá lóc nướng cuốn lá sen non… Nghệ nhân Khu di tích Xẻo Quýt Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, món ăn từ sen rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là món “cơm vắt huyết rồng” một thời gắn với cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của người lính, giờ phổ biến như một sản vật khắc họa rõ nét về thời kỳ kháng chiến.

Ngoài nét đẹp văn hóa sen, Đồng Tháp cũng được biết đến với hình ảnh chiếc khăn rằn của làng nghề dệt choàng Ấp Long Tả, xã Long Khánh, Hồng Ngự. Đây là hình ảnh đặc trưng của bộ đội miền Nam thời chiến, cũng gắn bó sâu sắc với nông dân trong đời sống hằng ngày. Nghệ nhân Đặng Thanh Dũng, Hợp tác xã Dệt choàng Long Khánh cho biết: “Khăn rằn gắn liền với đời sống nông dân Nam Bộ bao đời và vẫn luôn được yêu thích bởi công dụng và vẻ đẹp giản dị. Hơn nữa, dệt khăn cũng rất đơn giản, em nhỏ 9 - 10 tuổi cũng có thể làm được”. Trở thành sản vật du lịch đặc trưng của Đồng Tháp và vùng Nam Bộ, khăn rằn mang đến cho người dân làng nghề nguồn thu nhập đáng kể. Làng Ấp Long Tả hiện có hơn 120 nghệ nhân, nhiều người 60 - 70 tuổi nhưng vẫn hăng say làm nghề, truyền dạy cho con cháu.

Hò Đồng Tháp
Hò Đồng Tháp

Tận dụng lợi thế vùng đất của sen, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu làm ra loại sợi mới từ sen. Giá nguyên liệu này khá cao, đòi hỏi kỳ công hơn nên chủ yếu nghề dệt choàng vẫn lấy nguyên liệu từ sợi tơ. Tuy nhiên, đây cũng là hướng đi sáng tạo nhằm tăng sự phong phú cho sản phẩm dệt choàng, góp phần nâng tầm sản vật quê hương. Mấy năm trở lại đây, làng nghề còn kết hợp làm du lịch, giới thiệu, để du khách được trải nghiệm nghề truyền thống này. Theo nghệ nhân Đặng Thanh Dũng: “Giữ gìn được nét văn hóa truyền thống sẽ giúp mọi người biết đến làng nghề, để dệt choàng tồn tại và sống mãi với thời gian”.

Trăm điệu lý, câu hò

Vùng đất sen hồng thơ mộng. Đất và người chân chất với bề dày lịch sử văn hóa đã sản sinh ra hàng trăm điệu lý, câu hò sâu lắng, mênh mang. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sơn thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Đồng Tháp có rất nhiều loại hình nghệ thuật như hò, lý, đờn ca tài tử… nhưng đặc sắc nhất là hò Đồng Tháp. Có một thời gian, hò Đồng Tháp bị mai một nhưng hiện đã hồi sinh, phát triển mạnh và được công chúng đón nhận nồng nhiệt”. Theo các nhà nghiên cứu, cách đây khoảng 50 năm, do nhiều yếu tố, hò Đồng Tháp bị mai một, nhưng các làn điệu vẫn in đậm trong mỗi nghệ nhân. Bởi vậy, cuộc hồi sinh điệu hò cổ đã nhanh chóng giúp hò Đồng Tháp được bảo tồn, phát triển. Trong đó, các trung tâm văn hóa trở thành hạt nhân đưa sức sống của điệu hò đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Hò Đồng Tháp dường như có sẵn từ trong chất mỗi người dân nơi đây nên việc truyền dạy không quá khó khăn. Những điệu hò ngày càng được biết đến nhiều hơn, có điều chủ yếu là những điệu hò mới. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sơn cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã mở những lớp nâng cao về hò Đồng Tháp, quy tụ gần 100 nghệ nhân nắm vững làn điệu để hướng dẫn, truyền dạy. Mỗi huyện, thị xã hàng năm mở 2 lớp dạy các điệu hò, với gần 200 học viên theo học, từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, đã có 5 câu lạc bộ hò Đồng Tháp được thành lập, sinh hoạt thường xuyên, trở thành điểm lan tỏa loại hình nghệ thuật truyền thống đến mọi người và du khách. Một trong những yêu cầu của hướng dẫn viên du lịch ở Đồng Tháp là phải biết hò, để có thể tự giới thiệu hoặc trình diễn với khách du lịch. Qua đó, giới thiệu về lịch sử mảnh đất Đồng Tháp và quảng bá hình ảnh quê hương. 

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.