Sản xuất theo công nghệ Nhật Bản
Nấm vốn được mệnh danh là loại cây trồng khó tính bậc nhất, đặc biệt đối với nấm kim châm thì khả năng thích nghi và phát triển trong điều kiện thời tiết ở nước ta lại càng khó hơn. Mặc dù vậy, Giám đốc Công ty Kinoko Thanh Cao Dương Thị Thu Huệ cùng các cộng sự của mình vẫn lựa chọn chinh phục loại cây khó trồng bậc nhất này với mong muốn mang đến cho đông đảo người tiêu dùng Việt Nam một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ảnh: Tường Vy
“Không chỉ tạo ra sản phẩm nấm sạch phục vụ người tiêu dùng, Công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động địa phương với mức lương ổn định từ 4,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất nấm trong nước có lợi thế cạnh tranh tốt hơn về khoảng cách địa lý so với nguồn nấm các đơn vị nhập khẩu. Đối với nấm kim châm của Kinoko, chỉ sau 1 giờ đã có mặt tại trung tâm thành phố Hà Nội để tỏa đi các siêu thị. Do đó, chúng tôi mong muốn thành phố Hà Nội cũng như huyện Mỹ Đức sẽ có thêm cơ chế, chính sách để nghề trồng nấm công nghệ cao phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương”
Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao Dương Thị Thu Huệ
Chị Huệ chia sẻ, từ nhiều năm trước, trại nấm Thanh Cao (tiền thân của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao) chỉ trồng các loại nấm có ở Việt Nam, như: Nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm và nấm mỡ… sản xuất theo hướng mùa nào thức đó. Bởi quá trình sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên có nhiều rủi ro và lợi nhuận đem lại thấp. Sau nhiều năm tích luỹ kiến thức và nguồn vốn, năm 2016, chị Huệ đã đưa mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của Nhật Bản về Việt Nam. Trên diện tích 3.000m2, Công ty Kinoko Thanh Cao đã xây dựng nhà máy nấm kim châm công nghệ Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư 3 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 kg - 3.000 kg/ngày.
Theo đó, quy trình sản xuất nấm kim châm của Công ty Kinoko phải trải qua 10 bước từ khâu trộn nguyên liệu đến thu hái. Nguyên liệu đầu vào được cho vào máy trộn nguyên liệu, pha nước sạch bảo đảm độ ẩm đạt 66 - 67%, trộn đều trong vòng 1h. Sau đó sẽ được máy trộn nguyên liệu tự động chuyển sang máy đóng lọ, tại khâu này máy đóng lọ sẽ tự động cho nguyên liệu vào lọ và đóng nắp. Trước khi cấy giống, giá thể sẽ được hấp khử trùng và làm lạnh sau đó tiến hành cấy bằng máy tự động. Sau khi ươm sợi từ 20 - 22 ngày ở điều kiện nhiệt độ 150C - 180C, độ ẩm 75 - 80%, giá thể trong phòng ươm tiếp tục được chuyển sang phòng cào bề mặt bằng máy cào tự động. Sau đó, giá thể được chuyển sang phòng nuôi nấm, nhiệt độ từ 150C - 160C, độ ẩm 90 - 98%. Khi sợi nấm đạt độ cao 4cm, sẽ được cuốn cổ, định hình cho bông nấm mũ nhỏ, cao đều. Khi bông nấm đạt độ cao bằng giấy cuốn cổ, sẽ được chuyển sang phòng thu hái, đóng gói bằng máy đóng gói tự động.
Có thể thấy, hầu hết các công đoạn trong quy trình sản xuất nấm kim châm của Kinoko đều được thực hiện bằng máy bảo đảm sự đồng đều và chính xác cao. Bên cạnh đó, để sợi nấm phát triển tốt không chỉ bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm mà chất lượng nước cung cấp cho máy tạo ẩm cũng cần sạch tuyệt đối. Theo chị Huệ, tất cả máy móc, thiết bị sản xuất hoàn toàn trong nhà lạnh, được quản lý chặt về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Đặc biệt, sản xuất nấm kim châm bằng lọ theo công nghệ Nhật Bản thì trong thành phần nguyên liệu chỉ có 35% là chất thô, 65% còn lại là các loại cám dinh dưỡng nên nấm bảo đảm chất lượng, độ dinh dưỡng cao và có thể sản xuất nấm quanh năm. Nhờ đó, trên diện tích 3.000m2, từ đầu năm 2019 đến nay, công suất sản xuất nấm của nhà máy đã đạt 1,5 tấn nấm/ngày. Sản phẩm hiện được phân phối độc quyền cho Công ty TNHH Hai Thành Viên Thực phẩm Lý Tưởng Việt Nam và Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển Nông nghiệp Vin Eco, và tất cả đều được bán trong các Siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trường phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh.
Chinh phục thị trường rộng lớn
Thực tế, việc nghiên cứu và sản xuất nấm ăn trên thế giới ngày càng phát triển mạnh và đã trở thành ngành công nghiệp thực phẩm thực thụ. Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Kinoko, hiện tại, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng trên 50 tấn nấm kim châm mỗi ngày. Trong đó, các tỉnh phía Nam tiêu thụ khoảng 20 tấn/ngày, các tỉnh phía Bắc tiêu thụ trên 30 tấn/ngày. Trong khi đó, sản lượng cả nước mới chỉ sản xuất được 5 - 6 tấn/ngày, số còn lại chủ yếu nhập khẩu cả theo đường chính ngạch và tiểu ngạch phần lớn từ Trung Quốc và một phần rất nhỏ từ Hàn Quốc. Trên cơ sở phân tích đó, Kinoko quyết tâm theo đuổi hoài bão tạo dựng chỗ đứng vững chắc và tiếp tục chinh phục thị trường với dư địa rộng lớn trong những năm tới.
Theo Giám đốc Công ty Kinoko Dương Thị Thu Huệ, ngoài Kinoko, ở nước ta chưa có một nhà máy nào sản xuất được nấm kim châm theo công nghệ quy mô công nghiệp ra được trên 1,5 tấn nấm/ngày. Kinoko cũng chính là đơn vị đầu tiên áp dụng công nghệ, máy móc và giống nấm kim châm của Nhật Bản vào sản xuất. Theo đó, đội ngũ kỹ sư, công nhân của Kinoko là những người lành nghề, có kinh nghiệm sản xuất nấm, có khả năng tiếp nhận và hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất nấm ở quy mô công nghiệp. Công ty cũng thường xuyên hợp tác, liên kết đào tạo với các viện, trung tâm nghiên cứu về ngành nấm ở trong nước và các chuyên gia tại Nhật Bản. Do đó, các sản phẩm của công ty từ trước tới nay luôn giành được sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng bởi chất lượng sản phẩm bảo đảm và sản lượng ổn định. Việc được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cũng đã góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng của nấm kim châm Kinoko Thanh Cao trong lòng người tiêu dùng.
Theo kế hoạch phát triển của Kinoko, trong 3 năm tới (2020 - 2022), Công ty đặt mục tiêu sản lượng đạt 3 - 5 tấn/ngày, doanh thu 70 - 100 tỷ/năm, sản phẩm chiếm được 5 - 10% thị phần nội địa và thu hút từ 35 - 50 lao động. Để thực hiện được mục tiêu đó, công ty cũng đã xây dựng phương án mở rộng sản xuất và xúc tiến thương mại. Do sản phẩm nấm kim châm Kinoko có giá bán cao gấp 1,5 lần nấm nhập khẩu nên công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các đối tượng khách hàng là hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP, hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. “Trong thời gian tới, Kinoko rất mong nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành thành phố và chính quyền địa phương trong các khâu kỹ thuật, tiếp thị sản phẩm cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để Kinoko có thể thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện hoài bão đáp ứng nhu cầu nấm ăn không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế” - Giám đốc Công ty Kinoko Thanh Cao chia sẻ.
ĐÀO CẢNH
BOX: