“Lòng dân” là một khái niệm trừu tượng. Nhưng khi được biểu hiện ra lại là một thực thể hết sức phong phú.
Vậy đối tượng của dân là gì? Là Nước - là quốc gia, là bộ máy công quyền. Vậy một khi nói đến lòng dân, là nói đến ý thức của cộng đồng dân tộc đối với Nhà nước, mà đại diện cho Nhà nước là bộ máy cầm quyền; xưa gọi là Vua, là Triều đình, nay gọi chung là Nhà nước.
Lòng dân ta hiện nay đối với Nhà nước như thế nào, ai cũng biết. Bởi Ta đang là Dân và đang cùng sống với bộ máy nhà nước; và cả hai bên đều là đương sự, bất tất phải nói ra điều mọi người đều ý thức được, và đều biết rất rõ về nhau. Vì vậy bài viết này chỉ nói đến “lòng dân” trong quá khứ, để xem “người dân xưa” và “Nhà nước xưa” ứng xử với nhau thế nào; từ đó rút ra bài học lịch sử, xem điều gì có thể học được, và điều gì phải tránh từ cách hành xử của người xưa, hầu mong xây dựng mối quan hệ Dân - Nước đúng chuẩn mực để tạo sức mạnh trong công cuộc xây dựng đất nước.
Trong lịch sử không thiếu các bài học về lòng dân. Nhưng bài học dường như còn nóng hổi và khắc nghiệt nhất, là bài học về lòng dân thuộc thời đại nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIII.
Thế kỷ XIII, nước ta phải đánh trả 3 cuộc xâm lược của đế quốc Mông Cổ, trong đó có 2 cuộc vào các năm 1285 và 1288 mang tính hủy diệt. Vậy mà cả ba lần ta đều chiến thắng. Hai cuộc sau, mỗi cuộc ta giết và bắt tới hơn chục vạn tù, hàng binh. Các danh tướng bất khả chiến bại của Hốt-tất-liệt như A-li-hải-nha, Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Lưu Khuê, Lý Hằng, Lý Quán, Trịnh Bằng Phi, Tích Lê Cơ vương (em của Hốt-tất-liệt), Áo-lỗ-xích, Toa-đô… đặc biệt viên tổng chỉ huy Thoát Hoan, con trai của Hốt-tất-liệt được cha y phong là Trấn Nam vương. Tất cả bọn chúng đều trở thành bại tướng trên chiến trường Đại Việt, trong đó kẻ bị chết, kẻ bị bắt, kẻ chạy trốn chui nhủi mà về nước.
![]() | |
Hội nghị Diên Hồng | Tranh của Tạ Huy Long |
Nên nhớ, đế quốc Mông Cổ khi xâm chiếm nước ta vào các năm 1285 - 1288 thì chúng đã chiếm toàn bộ nước Nga, chiếm trọn nước Trung Hoa, một số nước Đông Âu, Ba Tư và miền Trung Á. Đất đai của đế quốc Mông Cổ kéo dài từ Á sang Âu, từ bờ Hắc Hải tới Thái Bình Dương. Hầu hết các nước, không nước nào là địch thủ của chúng. Những nước khổng lồ như Trung Hoa cũng bị Mông Cổ thống trị tới cả trăm năm, nước Nga cũng bị Mông Cổ cai trị tới hơn 200 năm. Vậy mà đoàn quân hung hãn ấy đã bị chặn đứng lại trên đất nước ta không chỉ một lần.
Vì sao nhà Trần làm được điều mà các quốc gia khác không làm được?
Vì nhà Trần có dân, toàn dân tộc với triều đình cùng chung một ý chí.
Các nước khác cũng có dân, và họ cũng chống quân xâm lược, bảo vệ đất nước.
Đành rằng thế, dân tộc nào cũng anh hùng không thua kém ai. Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo không phải nước nào cũng cùng chung ý chí với nhân dân nước họ. Ví như nhà Tống (Trung Quốc) vào thế kỷ XIII lại hoàn toàn khác. Triều đình nhà Tống hèn yếu, hết sức cầu an, luôn lấy lòng quân xâm lược bằng các thỏa hiệp như: Cắt đất, cống nạp, rút các tướng giỏi từ mặt trận về trao cho họ công việc khác, hoặc sát hại như trường hợp Nhạc Phi, cách chức tể tướng - người đã tập hợp dân chúng nêu cao tinh thần giết giặc bảo vệ Tổ quốc như Văn Thiên Tường. Và đàn áp phong trào dân chúng tự tổ chức kháng giặc. Vì vậy mà triều đình nhà Nam Tống bị tiêu diệt, và Mông Cổ đặt ách thống trị trên toàn cõi Trung Hoa.
Ta hãy xem cách thức nhà Trần cố kết lòng dân như thế nào để hưng thế nước. Bắt đầu từ việc chăm lo đời sống cho toàn dân. Nước ta thời đó dân sống thuần về nông nghiệp, nên từ năm Tân Mão (1231) triều đình đã cho đào, vét các kênh Trầm, kênh Hào thuộc huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia) Thanh Hóa chạy suốt đến phía Nam châu Diễn (Diễn Châu, Nghệ An ngày nay) để dân có nước cày cấy.
Lại năm Mậu Thân (1248) sử chép: “Tháng 3 sai các lộ (nay là tỉnh) đắp đê giữ nước sông, gọi là đê đỉnh nhĩ (quai vạc), đắp suốt từ đầu nguồn cho đến bờ biển để giữ nước lụt tràn ngập. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ (nay là trưởng Ban chống bão lụt tỉnh) để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào mất bao nhiêu đất ruộng của dân, theo giá trả lại tiền”. (Toàn thư tr458 quyển 1). Để dân có ruộng, tức hữu sản hóa cho người dân, “Tháng 6 năm Giáp Dần (1254) (Nhà nước) bán ruộng công, mỗi một diện (mẫu) là 5 quan tiền, cho nhân dân mua làm của tư” (Toàn thư tr464, quyển 1). Rồi năm Bính Thìn (1256), Thăng Long cho nạo vét sông Tô Lịch để tiện việc đi lại trong kinh thành và giao thương với các lộ, cũng là việc thuận lợi cho người nông phu. Cứ việc gì có lợi cho dân, triều đình làm bền bỉ và rộng khắp, mà không hề có sự tăng thuế, tăng sắc thuế hoặc tăng tô đánh vào đầu mẫu hoặc chuyển qua thuế thân.
Để có nhiều nhân lực làm ruộng, để dân yên tâm cày cấy, để bớt chi phí cho việc quân và cũng bớt cho việc dân phải đóng góp, nhà Trần vẫn giữ chính sách “ngụ binh ư nông” khởi từ nhà Lý. Tức là giảm thiểu quân thường trực, tăng cường quân dự bị bằng cách vào lúc nông nhàn (tháng 3, tháng 8), triều đình cử người về tận thôn ấp, huấn luyện kỹ năng sử dụng binh khí, và kỹ năng chiến đấu cho người nông phu.
Nhà Trần cố kết lòng dân bằng cách lo cho dân có đời sống ngày một tốt hơn. Trong khi đó, tướng của triều đình lại chia sớt gian nan cùng binh sĩ, sẵn sàng xả thân để cứu nước. Tấc lòng này được thể hiện trong Tướng sĩ hịch văn của Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng. Vị chỉ huy tối cao đã trăn trở quặn thắt tâm can như thế, nên mới truyền được nhiệt huyết cho toàn quân. Trần Hưng Đạo khích lệ lòng yêu nước, lòng tự trọng sẵn có ở mỗi con người, và thổi vào đó chất cao thượng và đức hy sinh của người lính.
Không chỉ quan tâm về mặt tinh thần, mà thiết thực cả về mặt quyền lợi vật chất: Các người ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm; quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng; đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa. Lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười… Rõ ràng, vị tổng chỉ huy không chỉ thấu hiểu tâm trạng của binh sĩ dưới quyền, mà ông còn thực sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của họ; không những cùng vui lúc thư nhàn với họ mà vào trận cũng gánh vác nỗi hiểm nguy sống chết cùng họ.
Trần Hưng Đạo tận trung với nước, hết lòng yêu thương binh sĩ. Đó chính là bài học về lòng dân. Đó chính là lời đáp vì sao binh sĩ thời Trần có sức chiến đấu lay thành chuyển núi đến thế. Và cũng là lời giải bấy lâu cho những ai còn băn khoăn, vì sao quân Mông Cổ hùng mạnh và thiện chiến như thế, lại bị thua ở Đại Việt.
Một chi tiết khiến ta xúc động về tình cảm giữa nhà vua với người lính. Đó là cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm Ất Dậu (1285), khi quân xâm lược đã tràn tới biên thùy. Vào một sớm cuối tháng Chạp, Trần Nhân Tông sai lấy thuyền tức tốc xuôi về Vạn Kiếp để ngài gặp Quốc công tiết chế, kiểm tra lại một lần nữa kế hoạch phá giặc. Vì ra đi vội vã nên tùy tùng không kịp chuẩn bị đồ ăn. Xế chiều, mọi người đều đói mà không có gì dâng vua. Phía đầu mũi thuyền có một người lính cứ cho tay vào trong bọc với vẻ băn khoăn. Thấy hành vi có vẻ đáng ngờ, vua hỏi:
Ngươi định làm gì đó?
Người lính sụp lạy: “Bẩm, sáng nay vợ con có gói cho con một nắm cơm gạo hẩm, thấy bệ hạ đói mà con không dám dâng, bởi đây là đồ ăn quê mùa của lũ lính tráng chúng con”.
Vua Nhân Tông cười xòa và sai chia đều gói cơm gạo hẩm đó cho mọi người. Lại hỏi người lính tên gì và quê quán. “Con tên Tạ Lai, quê ở Thiên Trường trong đội quân Thiên Thuộc”.
Tưởng chuyện nhỏ ấy nhà vua sẽ quên. Nhưng sau chiến tranh, ngài cho tra hỏi và khen thưởng người lính.
Tiếp đó, nhà vua cho mở Đại hội các bô lão trong cả nước ở điện Diên Hồng để hỏi kế phá giặc. Thật ra thì bộ tham mưu của triều đình đã có kế sách rồi. Nhưng vì tin dân và tỏ lòng kính dân, nên nhà vua mở tiệc yến để hỏi các bô lão: Thế giặc mạnh nên hòa (hòa là đầu hàng) hay nên đánh? Cả ngôi điện đều vang lên cùng một tiếng nói: Xin bệ hạ cho đánh! Đánh! Đánh! Đánh! Lòng dân ta và lòng của triều đình vào thời Trần là như vậy. Và nhờ đó ba lần ta đại thắng giặc dữ Nguyên - Mông, khiến cả thế giới tới ngày nay còn chưa hết kinh ngạc!
Sở dĩ nhà Trần tạo được sức mạnh siêu thần nhập hóa để giữ nước, là bởi triều đình đã cố kết được lòng dân.
Lòng dân có thể ví như nước, bao la, vô tận. Sức dân ví như nước. Nước có những hạt bé li ti như hạt sương trên ngọn cỏ, nắng lên là tan biến. Nhưng nước hợp lại có thể làm nên cường lực, tạo ra những trận sóng thần ghê gớm hoặc cơn đại hồng thủy thì không một sức mạnh bạo tàn nào có thể cưỡng lại.