![]() Chùa Trấn Quốc Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn |
Đi một vòng hồ khoảng 16 km, đi vào ngày tết Hà Nội đang giá rét, ta được nhìn sen tàn, nhìn hoa hồng thược dược trổ hoa trong tĩnh lặng.
Với tôi, Hà Nội chỉ có sớm mùng một Tết là của riêng mình. Mọi người chìm vào giấc ngủ sâu sau đêm giao thừa, họ đi xem pháo hoa và đi chơi muộn. Tôi đi ngủ sớm và chọn cách đi chơi sớm, khi người ta ngủ. Hồ Tây đi về phía tay trái, sớm nào mùa xuân, hồ cũng mờ mịt khói sương. Không còn tiếng chuông Yên Thái, nhưng chuông chùa Trấn Quốëc, chuông chùa Sải vẫn vọng ra du dương. Mới tết năm nào còn nhà thơ Phùng Quán, ông ở chòi ngắm sóng ven hồ, thấy ông ra hồ ngửi hơi nước, rồi về vác cần câu đi “câu chui” cá chép hoa, rồi luộc cá nhắm rượu với tết. Không rõ có cá chép hoa hay không, chỉ nghe nói có cá mè hoa, nhưng người sát cá đi câu cho hay khi đi câu, cá mè hoa ít khi cắn câu. Chỉ có kéo lưới và kéo bè may ra mới vớt được mè hoa. Cái chòi ngắm sóng của nhà thơ Phùng quán đã xóa sổ từ lâu. Không xa, một hàng dừa cao chót vót, những quán cà phê tĩnh lặng ven hồ đón khách thích không gian tĩnh ghé qua.
Hàng chục cây số Hồ Tây mù sương, ta ghé chùa Tĩnh Lâu, ngôi chùa dân làng Võng Thị quen gọi chùa Sải, chùa tu bổ từ năm 2008, vẫn chưa xong. Nhưng dân vẫn lặng thắp hương Bồ Tát. Nếu như sân trước chùa Sải ngoảnh mặt ra hồ, thì chùa Trấn Quốëc và chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách lại nhìn ra hồ từ phía sân sau. Chùa Sải có những tủ sách gồm kinh kệ nhà Phật, những bức tranh những tượng Phật, con người đi đó đi đây như thầy trò nhà Đường Tăng, Tôn Ngộ Không năm xưa qua bao thăng trầm mới lấy được kinh vậy.
Chùa Sải rộng lớn có những bức tranh khiến ta chạnh nhớ tranh của Michelangelo. Chùa có tủ sách như một thư viện quý. Ở tam bảo tĩnh mịch ta có thể trôi ngay vào cõi thiền, tâm thanh thản không vướng bận gì. Rồi ta chậm rãi bước sang vệt chùa Vạn Niên chùa Tảo Sách. Chùa Vạn Niên cổ bậc nhất kinh kỳ Thăng Long xưa, nay còn lưu giữ 46 pho tượng, gồm 26 pho tương Phật 20 pho tượng mẫu, quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn. Chùa cổ này còn lưu giữ 11 đạo sắc phong thần, là nơi ghi dấu vị quốc sư Thảo Đường trụ trì nhiều năm hai chùa Trấn Quốc và Vạn Niên. Nay ngôi chùa chưa phai nhòa cổ kính, và tôn tạo mới không gian sân sau nét kiến trúc hiện đại. Tượng Phật cũ xưa, rất xưa, chùa mới có một gian thờ tượng Phật bằng ngọc của xứ Myanmar, cao 1,3 mét, nặng 600kg, hai bên tượng Phật có tòa sen bằng gỗ hương còn gọi cửu phẩm liên hoa phụ mẫu. Nếu rẽ trái, đi sâu xuống tầng hầm có trụ đá hồng ngọc, nghe nói trụ đá này đem lại những điều ước nguyện cho con người. Nếu bạn muốn ước, tay trái đặt lên trụ đá, tay phải xoay, cầu nguyện điều ước năm mới. Bạn trẻ ước yêu nhau hãy đến nơi này. Sân sau chùa Vạn Niên có một tượng đồng đen quay ra Hồ Tây. Trời rét đậm nên năm nay sáng mùng một chùa vắng khách. Thầy Thích Minh Tuệ trụ trì chùa Vạn Niên, hiểu biết sâu văn hóa Phật giáo, vãn chùa thấy phong cách sắp đặt không gian rất đẹp. Nơi thờ Sơn Trang được bài trí sơn trang kỳ vĩ dưới chân Phật, do bàn tay con người tạo nên bằng chất liệu gừng, ớt xanh, ớt đỏ, cà chua cà tím, mướp đắng, khế, toàn hoa quả đất Việt, chay tịnh. Và thanh tịnh. Mọi thứ rất xanh rất non tươi.
Đi thêm vài chục mét, là sang chùa Tảo Sách.
Chùa Tảo Sách cũng chưa tôn tạo xong, nhưng tượng Phật trong chùa vẫn cũ xưa để hồn cốt của người già vẫn nẻo cũ ta về. Tượng đồng đen vẫn ở nơi chùa cũ. Con cháu Phật còn thắp hương và sờ chân Phật. Sang chùa mới quay ra mặt hồ, tượng Phật mới, chưa sơn thếp nhưng phía truớc chùa rất rộng, có đủ chỗ cho khách du lịch dâng hương và nghỉ chân ngắm cảnh Tây Hồ. Gần chùa Tảo Sách có hai con rồng phun nước rất thơ mộng. Từ đây ta có thể đi một vòng Hồ Tây tính ra vòng tròn nhỏ mép hồ 16 km, nếu đi vòng rộng, qua phố Thụy Khuê, Lạc Long Quân, Xuân Diệu thì khoảng 23 km. Ta sẽ đi xem những đầm sen đã tàn vào cuối đông, những cái nấm rơm xiêu vẹo dành cho nơi nghỉ mát mùa hè co ro và đơn lẻ vì lạnh. Những đôi trai gái bên nhau đi lễ chùa. Bạn có thể ghé qua chùa cổ Kim Liên. Chùa gần khách sạn Thắng Lợi.
Chùa được xây lên từ nền cũ của cung Từ Hoa, con gái của vua Lý Thần Tông. Chùa có kiến trúc cổ hai tầng tám mái, nhìn xa như bông sen. Nơi thờ Phật, nơi thờ công chúa Từ Hoa. Chùa Hạ chùa Trung chùa Thượng xếp theo kiểu chữ tam, nối với nhau bởi cái máng nước. Đến chùa Kim Liên, ám ảnh nhất là cái máng nước, với tôi còn một thứ ám ảnh nữa là cái bể nước và cái gáo dừa. Quê ơi là quê. Đẹp thế, mà cứ mải đi đến những đẩu những đâu. Nào chùa Luang Prabang bên Lào, chùa Vàng Thái Lan, chùa ở Ăngko Thom Ăngko Vát bên Campuchia, chùa Potala bên Tây Tạng, chùa Quan Vân Trường ở Vân Nam, Trung Quốc… Chùa cổ ông cha mình ngay trước mắt mà bao lâu ta chưa kịp nhìn ra.
Thì ra chính những đại đức, chính những sư ông đi học Phật giáo để trở về giữ gìn bản sắc hồn Việt, những pho tượng Việt, không thể pha trộn. Từ ngôi chùa Kim Liên mang vẻ kiến trúc duy nhất kiểu bông sen, bạn đi thẳng sang chùa Trấn Quốc với tiếng chuông mê hoặc lòng người. Nơi có vườn tháp nhà tổ, nơi có tượng Phật bà, tượng Đức ông cũ kỹ như ngày bé tôi theo mẹ quét lá sân sau chùa. Người trụ trì chùa không phải ông chú nhà ngoại tôi, nhưng đến đây tôi như gặp lại mẹ mình, cả đời chỉ dành cho hương khói ngôi chùa. Rồi dấn thêm chút nữa sẽ sang đền Quán Thánh, hay tạt xuống phủ Tây Hồ.
Hà Nội một vòng du ngoạn Hồ Tây có năm ngôi chùa cổ, một Phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh, một đền Quán Thánh thờ duy nhất một tượng đồng đen, con dân sờ chân ngài nhẵn thín cả đồng, để xin đủ thứ tài lộc công danh và sức khỏe. Họ đi lễ để ước vọng để cầu xin rất nhiều thứ, chứ tôi không nghe thấy họ cầu cho lòng mình bớt ham muốn đi.
Một kỹ sư ngành nông nghiệp nói với tôi ở sân sau chùa Vạn Niên: nếu con người bớt tham thì sẽ không dính phải vòng lao lý, cái chết và sự dằn vặt. Ta đi chùa chỉ nhìn sâu vào cõi văn hóa nhà Phật, đó là niết bàn phải đặt ở tại lòng mình, tim mình.
Tôi chỉ đi tìm chùa cổ, đi dạo phía sân sau chùa để thưởng hoa mộc hoa cau, hồn trong mới nhìn thấy giọt sương trong trên cọng tàu cau giá rét kia. Phát hiện ra giọt sương trên tàu cau mà anh kỹ sư nông nghiệp sung sướng. Phát hiện ra giọt sương trên tàu cau cũng là một cách phát hiện.
Thì ra đi tìm chùa cổ để nhìn sương. Một mùa xuân Hà Nội, trên hàn thử biểu ngoài trời 5 độ C. Rét cong cả người. Và con người cong lại như một dấu hỏi - ta tìm gì ở nét văn hóa độc đáo của ngôi chùa cổ ngày Tết? Một niết bàn trong tim hay ở ngoài trái tim mình?