Thường trực Ban liên lạc truyền thống đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 đã bàn bạc kỹ, thống nhất làm chung Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2022), 50 năm Sư đoàn 320 tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào, 50 năm chiến thắng điểm cao 1049 và 1015 ở huyện Sa Thầy, Kon Tum vào 2 ngày 24- 25.7 vừa qua. Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh đã đăng cai và phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm thật trang trọng, chu đáo.
Ấm áp nghĩa tình đồng đội
Các đại biểu đã gắn bó, đóng góp nhiều trong quá trình chiến đấu thắng lợi và trưởng thành của sư đoàn đã về dự có: Trung tướng - anh hùng LLVTND Nguyễn Quốc Thước; Trung tướng - anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320; Đại tá - anh hùng LLVTND Vũ Thanh Sơn. Một số Trung tướng, Thiếu tướng và nhiều cán bộ cao cấp của Quân đội đã từng chiến đấu, trưởng thành từ Sư đoàn 320 cũng về dự. Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, ĐBQH khóa XII và XIII là cán bộ cũ của sư đoàn điều hành buổi lễ.
Sư đoàn 320 là sư đoàn chủ lực của Bộ Bộ Quốc phòng. Sau chiến thắng đường 9 - Nam Lào, sư đoàn được ra Bắc miền Trung huấn luyện, bổ sung lực lượng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Ngay cuối năm 1971, Bộ Quốc phòng đã điều Sư đoàn 320 vào Mặt trận B3 Tây Nguyên chiến đấu, một địa bàn hoàn toàn mới và cực kỳ gian khổ, thiếu thốn. Sau gần 2 tháng hành quân vượt Trường Sơn qua đất bạn, đầu tháng 2.1972, khi vừa đặt chân lên đất Tây Nguyên tham gia chuẩn bị chiến đấu ngay. Những trận đánh điểm cao 1049 và 1015 phía tây sông Pô Kô ở huyện Sa Thầy, Kon Tum là dấu mốc đậm nét trong lịch sử của sư đoàn.
Gần 600 đại biểu đại diện cho hàng nghìn, hàng vạn cựu chiến binh đang sinh hoạt ở các chi hội của các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều người mang trong mình thương tật, ốm đau do di chứng chiến tranh đã sắp xếp công việc, không quản xa xôi, vất vả phấn khởi về dự buổi lễ.
Đại diện sư đoàn 9 của Quân đoàn 4 đang đóng quân ở Đồng Dù, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, nơi sư đoàn 320 đánh trận lớn quan trọng đập tan căn cứ Đồng Dù, cánh cửa thép hướng Tây Bắc trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 29.4.1975 cũng tham gia. Đặc biệt, có đoàn cán bộ, nhân dân huyện Sa Thầy, xã Rờ Kơi và Hơ Moong - nơi có điểm cao 1015 và 1049 cũng vượt cả ngàn kilomet đường xa về dự lễ kỷ niệm...
Chiều 24.7, được sự phối hợp hỗ trợ của Quân khu IV, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh, toàn bộ cựu chiến binh sư đoàn đã kính cẩn dâng hương tại tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường trung tâm thành phố và thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Vinh, Nghệ An.
Tại buổi lễ long trọng và ấm áp nghĩa tình đồng đội tổ chức tại Hội trường sáng 25.7, các cựu chiến binh dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các liệt sỹ của sư đoàn cũng như của cả dân tộc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đại diện thường trực Ban liên lạc đã báo cáo tóm tắt một số trận đánh, đóng góp của sư đoàn, các trung đoàn, tiểu đoàn vào chiến công chung của các chiến dịch; nhắc lại thành tích của một số đơn vị, cá nhân điển hình trong chiến đấu như: Liệt sỹ Phạm Công Doanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 hay đồng chí Phùng Quang Thanh (đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã nêu gương quả cảm mưu trí tả xung hữu đột đánh địch khi là Trung đội trưởng trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào.
Cảm xúc khó nói lên lời
Thay mặt các gia đình liệt sỹ, chị Hoài Nam, con gái liệt sỹ Hải - nguyên Đại đội trưởng quân y của Trung đoàn 64 phát biểu cảm tưởng. Chỉ biết mặt bố qua một hai tấm ảnh mẹ chị còn lưu được những ngày ngắn ngủi trước khi bố đi chiến trường, cảm xúc khó nói lên lời, nhưng rồi chị cũng cố đọc được bài thơ tự làm về bố khi còn học cấp 1 nên có những câu khá ngộ nghĩnh, ngây thơ. Cả hội trường lặng đi, nhiều người lau nước mắt…
Mọi người vô cùng phấn khởi, cảm động vì Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trưởng ban liên lạc truyền thống đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 cùng Thường trực Ban liên lạc luôn nhớ về các cựu chiến binh của sư đoàn qua các thời kỳ. Ông hay nhắc nhở anh em rằng mình còn sống được qua bao trận chiến ác liệt là nhờ Nhân dân che chở, nhờ bao người ngã xuống cho mình được sống. Riêng Sư đoàn 320 có 15 nghìn liệt sỹ, hơn 20 nghìn thương binh, nhiều người chịu di chứng chất độc hóa học của địch. Các đoàn địa phương, các đồng chí lâu ngày mới gặp lại đồng đội cũ, nhất là được gặp lại hai vị Thủ tưởng già nổi tiếng trận mạc nhưng cũng sâu nặng nghĩa tình đồng đội là Nguyễn Quốc Thước (97 tuổi) và Khuất Duy Tiến (92 tuổi) nên họ rất vui.
Một vài tấm hình lưu niệm sẽ là món quà quý của Lễ kỷ niệm này. Nhất là với những người lính chiến trường đã nghỉ hưu hay phục viên sớm về tảo tần với cuộc sống mưu sinh, nay từ các tỉnh xa về gặp mặt, góp phần vào thành công của Lễ kỷ niệm ý nghĩa và thiết thực của Ban liên lạc truyền thống đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320, cũng góp phần tôn vinh thêm ý nghĩa dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sỹ của cả nước.