Tới dự có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT Nhân dân, Đại tướng Phạm Văn Trà. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Năm 2020, theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và được sự đồng thuận của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về việc nâng cấp Nhà Lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhằm tôn vinh, tri ân công lao của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng tiền bối và cá nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, góp phần tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, các lực lượng vũ trang và du khách đến thủ đô Hà Nội.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép số 5764/QĐ-UBND, ngày 30.12.2020. Bảo tàng có trụ sở tại số 81 Tân Nhuệ, phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tá Phạm Văn Phi cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triển khai làm thủ tục xin cấp phép xây dựng Bảo tàng.
“Kiến trúc nhà Bảo tàng được thiết kế dựa theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, Hà Nội từ ký ức của các thành viên trong gia đình Đại tướng. Đây là ngôi nhà Đại tướng và gia đình đã ở trong giai đoạn 1958 - 1986 với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tại ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, gia đình Đại tướng nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cũng là nơi diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị ngày 6.8.1964 để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Đại tá Phạm Văn Phi thông tin.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có tổng diện tích 500m2, gồm diện tích trưng bày, phòng hội thảo, phòng chiếu phim, đọc sách. Ngoài ra còn có văn phòng, kho, công trình phụ trợ, sân, vườn.
Hệ thống trưng bày của Bảo tàng ngoài không gian khánh tiết còn gồm 8 chủ đề: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6.7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - hành trình tiếp nối. Ngoài ra còn có các tiểu chủ đề về Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Ông tướng du kích, Vì hòa bình mà đánh...
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lưu giữ và trưng bày hơn 670 hình ảnh, tài liệu, hiện vật; 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng; 2 không gian tái hiện là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam. Ngoài ra, còn có trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng…
Đại tá Phạm Văn Phi cho biết thêm: “Hệ thống đai vách trưng bày được thiết kế sinh động, sử dụng chất liệu bền vững, màu sắc hài hòa, sử dụng ánh sáng chiếu rọi trọng tâm vào hình ảnh, hiện vật, giúp người xem dễ dàng cảm nhận và gần gũi như chính tính cách của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vậy”.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kỳ vọng trở thành không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam, bồi đắp tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.