Thế nhưng những ngày gần đây, sự than phiền vì ôsin đã trở thành câu chuyện đầu miệng. Làm ăn cẩu thả, đập dập bóp bẹp cho qua. Lãng phí một cách hồn nhiên, bữa ăn còn hàng bát cơm với lại nửa bát nước mắm cũng đổ xuống cống hết. Ăn bốc ăn bải ăn vụng vô tư. Nói ngọng. Nói trống không. Nói dối thành thần. Chẳng có lý do gì cũng cười, bị mắng càng cười vẻ như ta chỉ có thế. Dửng dưng vô cảm. Học đòi một cách vụng về.
Nhiều người trong thế “mắng mãi cũng chán”, cực chẳng đã phải chấp nhận “chung sống với ôsin”, nhưng lắm lúc nằm bắt tay lên trán nghĩ thấy sợ. Còn đâu là thứ văn hóa gia đình các cụ xưa để lại?
Gia đình tôi cũng thuộc về những gia đình sống nhờ ôsin kiểu ấy. Để cho công bằng nhiều lần tôi nói với vợ con: Họ hư một phần lớn cũng là do chúng ta. Đến với ta họ có được chúng ta bảo ban huấn luyện gì đâu; và điều quan trọng, ta thuê họ bằng một mức lương rẻ mạt, làm chăm làm lười như nhau, đời sống chẳng có gì bảo đảm. Hơn nữa, nhiều thói xấu cũng bắt đầu từ ta. Chính dân Hà Nội hàng ngày đi làm cũng tìm mọi cách xoay xỏa rút ruột nhà nước kiếm thêm, còn trong việc buôn bán làm ăn thì lừa lọc nhau, bà chủ bán hàng mong người giúp việc đánh lừa khách hàng, người nọ lừa người kia. Chỉ đến khi họ mang cái lối sống ấy vào việc gia đình, chúng ta mới lại cáu sườn lên cả một lượt.
Gần đây, tôi nhớ có người trên mặt báo đã khái quát rằng đang xảy ra một quá trình “người nông thôn làm hỏng người Hà Nội và người Hà Nội làm hỏng người nông thôn”, cả hai đều “vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân”. Vợ tôi nghe đến đây im lặng chỉ bảo là thiên hạ người ta sống thế, mình không sống khác được. Mặc dầu trong đầu còn nhớ rằng chính cái lối nghĩ “cốt không làm gì khác người”, “trông thiên hạ mà sống” thực ra vốn xuất phát từ các làng quê, song tôi thừa biết nói gì thêm cũng vô ích. Thôi chỉ có cách lặng im!
Nhưng im không có nghĩa là lờ đi, quên hẳn đi. Nhà cửa mình làm do thợ các tỉnh lên xây, con cái trước khi đến trường do ôsin dạy dỗ, vào một cửa hàng ăn nhận ra ngay người mang miếng ngon miếng sốt lên cho mình là “bà con ngoại tỉnh” mới được tuyển dụng, tôi tự nhủ. Có một lần tôi đã ghi được một con số, hàng ngày Hà Nội có khoảng 500.000 người các tỉnh đến làm ăn. Tức ra đến đường là ta cụng đầu người nhập cư, và cả Hà Nội thành một thành phố nhập cư chịu sự chi phối rõ rệt của cách sống nông thôn (có lẽ đó cũng là một lý do khiến cho một nhà báo người Mỹ ở Việt Nam vài chục năm nay bảo rằng Hà Nội là một cái làng lớn). “Chân quê” đang đồng nghĩa với tùy tiện cẩu thả, cổ hủ lạc hậu. Nhân danh sự nghèo khổ họ muốn làm gì thì làm, kể cả phạm luật: cứ trông mấy cô bán hoa quả dắt xe đạp đứng ở các ngã tư đầy xe cộ thì biết.
Lại nhớ các tài liệu nghiên cứu về xã hội học, ở đó người ta nói rằng chính nông thôn chẳng qua chỉ là lối sống tự nhiên của con người, phải tới khi có đô thị con người mới có ý thức đầy đủ về đời sống của mình; nếu việc tổ chức đô thị đánh dấu trình độ sống của một cộng đồng một dân tộc thì việc hình thành những con người đô thị thực thụ đánh dấu một trình độ làm người của các cá nhân cá thể. Như thế tức là ở ta chưa có những đô thị thực thụ và những con người đô thị thực thụ chăng? Bất chấp chúng ta có thích hay không, câu trả lời vẫn là: Đúng như vậy, và không ai có thể bằng lòng với cái tình trạng tồn tại đó được.
Từ 1.7, Luật Cư trú có hiệu lực, người dân nông thôn nhập cư ở thành phố lớn khá dễ, chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và có thời gian tạm trú 1 năm trở lên là được đăng ký hộ khẩu. Tôi không bàn chính sách đó là nên hay không nên, bởi thật ra lâu nay, những người con thông minh và năng động của nông thôn đã đổ lên thành phố kiếm ăn và việc mang lại hộ khẩu cho họ sớm muộn phải làm. Tôi chỉ nhân đây đánh động mọi người cùng suy nghĩ về thực chất quá trình đô thị hóa ở ta vào thời điểm này. Bởi theo tôi, có điều chắc là chính nó liên quan đến nhiều vấn đề cấp bách của đời sống, từ tai nạn giao thông gia tăng, giáo dục xuống cấp, dịch bệnh lan tràn cho đến cả việc các thói xấu xã hội ngày một phát triển và con người thì tệ bạc với nhau hơn bao giờ hết.
Vương Trí Nhàn