![]() |
Ai cũng biết nền văn minh Ai Cập đã xuất hiện từ cách đây 5.000 năm bên dòng sông Nile và để lại một di sản kiến trúc vô cùng to lớn là các kim tự tháp - một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại và là kỳ quan cổ đại duy nhất tồn tại đến ngày nay. Cùng với kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của Ai Cập xưa cũng phát triển vượt bậc. Tại các kim tự tháp - lăng mộ của các vị hoàng đế cổ đại và nhiều công trình văn hóa lịch sử khác, người ta đã tìm thấy chữ tượng hình, một trong ít thứ chữ viết cổ đầu tiên của nhân loại. Người Ai Cập xưa cũng là một dân tộc thờ thần đầu tiên của thế giới. Trong kim tự tháp, họ thờ khá nhiều vị thần như Thần Mặt trời, Thần Rắn, Thần Bọ cạp... Đặc biệt, người Ai Cập cũng biết làm đẹp từ rất sớm và câu chuyện về chiếc mặt nạ bí ẩn bắt đầu từ đây.
Để làm đẹp, người Ai Cập xưa thường xuyên đội tóc giả, đánh phấn, kẻ mắt, tắm bằng các loại dược thảo. Khi chết, họ vẫn làm không khác gì khi còn sống. Sau khi tắm cho thi hài, người nhà sẽ trang điểm cho người quá cố, ướp xác, đội mặt nạ cho người ấy và hạ quan. Người Ai Cập xưa quấn người chết bằng nhiều lớp băng để giữ cho thân thể cố định không bị tan chảy, sau đó sẽ đội một chiếc mặt nạ lên phần đầu và phần ngực để bảo vệ phần mặt cũng như phục vụ một nhiệm vụ siêu nhiên đối với người chết. Người Ai Cập xưa tin rằng, khi một người chết, linh hồn của người đó vẫn còn lảng vảng trong khu mộ, sau này sẽ nhập vào cơ thể tái sinh. Và chiếc mặt nạ có tác dụng là vật nhận diện để linh hồn tìm về với thân xác, làm người đó sống lại.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc mặt nạ xác ướp đầu tiên tại những khu mộ gia đình giàu có, quý tộc từ cuối thời Vương quốc cổ năm 2.686 đến 2.181 trước Công nguyên, tức là cách đây khoảng 4.600 năm. Và chiếc mặt xinh đẹp ở Bảo tàng Khảo cổ học Ai Cập ở London cũng từ một khu mộ quý tộc trong khu vực Ramesseum là đền thờ của Vua Pharaoh Ramesses II tại Thebes thuộc triều đại thứ 18 thời Tân vương quốc năm 1.550 - 1.069, cách đây 3.550 năm. Từ những nhận định trên, người ta sẽ dễ dàng thấy người chủ của chiếc mặt nạ đó phải thuộc tầng lớp rất cao trong xã hội bấy giờ. Những năm đầu thế kỷ trước, nhà khảo cổ Robert Mond (1867-1938) đã tìm thấy chiếc mặt nạ và đưa nó về bảo tàng. Do không gửi cùng với xác ướp, nên không biết được tên, cũng như diện mạo của người chủ. Theo ghi chép, chiếc mặt nạ ấy là của một phụ nữ xinh đẹp đội tóc giả và cũng có thể tóc của bà được vấn rất đẹp.
Trong lịch sử Ai Cập cổ đại, mái tóc giả đóng một vai trò quan trọng. Chúng được xem là vật giao tế với thần linh, vật phân chia thứ bậc, vật để làm đẹp. Tóc giả được làm bằng chính những sợi tóc thật hoặc lông động vật và sợi thực vật cắt tỉa rồi đính kết từng sợi thành một mái tóc giả. Người xưa cũng có thể còn tạo hình kiểu tóc tùy thích, cuối cùng là sơn vẽ những màu sắc được xem là biểu tượng cho cái đẹp và quyền năng. Người ta đã tìm được rất nhiều bộ tóc giả được làm từ tóc thật vẫn còn nguyên vẹn và có hình dạng màu sắc rất đẹp. Khi nhìn vào đây, nhiều người sẽ tự hỏi liệu những kiểu tóc mà ta thấy trên tượng và tranh vẽ về người Ai Cập xưa là tóc giả hay tóc thật?
Trên chiếc mặt nạ ở Bảo tàng Khảo cổ học Ai Cập, có một đôi mày và mi mắt rất đẹp. Không biết người chủ của chiếc mặt nạ có kẻ mắt hay không, song thời Ai Cập cổ thì cả nam và nữ đều kẻ mắt, đánh lông mày và để chân mi thật dài để đôi mắt to và đen nhánh, giúp khuôn mặt thanh tú và nhìn nhận tinh tường, bao quát hơn. Trong các văn bản được khắc trên tường các lăng mộ hay khu di tích lịch sử bằng chữ tượng hình, để kể về một câu chuyện luôn có hình vẽ một đôi mắt đen mở to, được coi là một động từ “nhìn/xem”. Người Ai Cập xưa là người đầu tiên đã phát minh ra mỹ phẩm, bột kẻ lông mày và mi mắt bằng than chì trộn với mỡ tạo độ bóng và độ kết dính khi bôi lên mắt, chống nắng gắt, khử trùng và xua đuổi ruồi muỗi.
Khi quan sát kỹ phía trên chiếc mặt nạ, người ta còn thấy trên mái tóc người phụ nữ đội một chiếc mũ đan bằng những cánh hoa sen xanh. Với người Ai Cập xưa, hoa sen xanh là một loại hoa đặc biệt của Ai Cập, là loài hoa linh thiêng biểu trưng cho sự tái sinh và thanh xuân. Từ đó, thấy rằng trong nghi lễ phát tang của người xưa hẳn có những vòng hoa sen hoặc đơn giản dùng hình dạng và màu sắc của cánh hoa sen làm biểu tượng dẫn dắt người chết vượt qua những cửa ải gian truân để có thể phục sinh. Và chiếc mặt nạ được làm từ bột cây giấy đổ khuôn cho bề mặt trơn nhẵn, bền lâu hàng nghìn năm, cũng là một cách giúp linh hồn có thể dễ dàng nhận diện thân xác mà tìm về để người đó sống lại.