Điều trước tiên, một nhận xét mà những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ ở miền Bắc hầu như đều thừa nhận là, so với các thế hệ sáng tác trước và sau mình, sự xuất hiện thế hệ làm thơ viết văn của Lưu Quang Vũ hầu như là sự kiện được dư luận xã hội đương thời ở miền Bắc cảm nhận một cách rất rõ rệt. Đây là điều hơi đặc biệt, bởi không phải sự xuất hiện thế hệ nào trên văn đàn cũng được nhận ra tức thời, mặc dù trên thực tế, hầu như bất cứ thời điểm nào cũng có thêm một ai đấy đặt bước chân vào văn chương, dù rụt dè hay bạo dạn. Từ 1954 đến 1960, lực lượng người viết văn tại miền Bắc đương nhiên có sự bổ sung và mất mát, nhưng công chúng dường như chỉ cảm thấy rõ rệt sự xuất hiện trong văn chương của lớp người viết sinh ra vào những năm 1940, rõ nhất là những nhà thơ trẻ mà cho đến gần đây, nhiều người vẫn quen gọi thế hệ này là “lớp nhà thơ chống Mỹ”.
Tôi theo dõi báo chí văn nghệ, ghi nhận được, bài thơ Lưu Quang Vũ đăng lần đầu trên tuần báo Văn nghệ là bài “Thư của một bạn trẻ mới tòng quân” (VN, 2.7.1965), cùng một loạt bài đăng báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Quân Đội năm 1966: Gửi tới các anh; Lá bưởi lá chanh; Qua sông Thương; Phố huyện; Áo… Cuối năm ấy, trên Tạp chí Văn học của Viện Văn học có bài của nhà phê bình Hoài Thanh viết về thơ Lưu Quang Vũ (Hoài Thanh: “Một cây bút trẻ nhiều triển vọng”. Năm 1968, Vũ có nửa tập “Hương cây” in chung với Bằng Việt, ngoài ra Vũ còn có một số truyện ngắn đăng báo, trong đó “Thị trấn ven sông” được tặng giải Ba cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ. Đó là những thành công đáng mơ ước trong con mắt các bạn trẻ viết văn cùng thời.
Còn nhớ, một ngày đầu tháng 10.1967, tại nơi đặt “giảng đường” đại học sơ tán thời chiến, chúng tôi xúm nhau đọc số báo Văn Nghệ từ Hà Nội vừa gửi lên, đã thật thích thú với bài thơ “Vườn trong phố” của Lưu Quang Vũ. Nhân bài thơ này, bạn yêu thơ còn được biết thêm, nhân vật được gọi là “em” mà tác giả bài thơ dành tặng chính là nữ diễn viên Tố Uyên từng nổi tiếng với phim truyện “Con chim vành khuyên”. Trong hình dung của bạn yêu thơ thời ấy, tác giả Lưu Quang Vũ chẳng những rất thành công về thơ, về văn chương, mà lại còn có một hạnh phúc riêng cũng rất đáng ước ao!
![]() Gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh |
Thời gian chúng tôi học đại học (1964 - 1968) cũng là thời gian Lưu Quang Vũ vào quân đội (Binh chủng Phòng không - Không quân) làm thơ viết văn và thành công trong hoạt động văn học. Thế nhưng đã không có ai trong chúng tôi dự đoán được những tai ương có thể xảy đến với Vũ trong những năm tiếp theo. Năm 1970, Lưu Quang Vũ ra khỏi quân đội, hôn nhân tan vỡ; anh phải làm nhiều nghề khác nhau để nuôi mình và nuôi con, khi thì đi chấm công cho một đội cầu đường, khi thì vẽ pa nô, áp phích, vào làm ở xưởng cao su ngành đường sắt, làm nhân viên hợp đồng cho NXB Giải Phóng...
Nhớ lại đoạn đời này của Lưu Quang Vũ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn - một bạn thân của anh viết: “Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có. Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22 - 23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhòa đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ. Nếu hồi trước với Lưu Quang Vũ, ngày nào cũng là ngày vui, sau khi đèo người vợ mới cưới đi làm, chàng thi sĩ trẻ rẽ vào một quán cà phê sang trọng, ngồi làm thơ, đến giờ lại rẽ lên Xưởng phim đón vợ về, thì về sau, tất cả đã thay đổi. Nơi người ta thường gặp anh là những quán nghèo “quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa”, người con gái đi bên cạnh anh là một cô bạn gầy guộc “em gầy như huệ trắng xanh”, cô gái như hiện thân của cuộc đời vất vả phiền phức mà Vũ không thể lìa bỏ...” (“Cây bút đời người”).
Tầm giữa năm 1977 trở đi, Vũ bắt đầu có cuộc sống ổn định. Gia đình nhỏ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được lập nên giữa sự phản đối khá gắt, rốt cuộc đã khiến bố mẹ Vũ và cơ quan bạn bè công nhận. Vũ có nơi làm việc chắc chắn ở Tạp chí Sân khấu. Trong nghề viết thì lúc này Vũ không chỉ làm thơ viết truyện, viết phê bình sân khấu, mà còn bắt đầu tiếp nối nghề của cha, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (1921 - 1981). Điều mà mọi người nhận thấy trong thái độ đối với nghề văn ở Vũ lúc này là sự nghiêm chỉnh, đúng hơn, một thái độ thực tế, xem đây là nghề nghiệp nuôi sống mình và gia đình mình.
Những năm 1980, Vũ là nhân vật số 1 của nền sân khấu Việt Nam, là cây bút hàng đầu tạo nên một mùa vụ sân khấu sôi động khắp mấy đô thị lớn trong nước, có lẽ là mùa vụ lớn cuối cùng, trước khi các phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện tại đất này tranh giành hết công chúng. Tiếc là hình như giới nghiên cứu sân khấu chưa có một biên khảo khái quát về toàn bộ 50 vở kịch Lưu Quang Vũ. Cho nên hiện giờ, ta cũng chỉ có thể nhận định bằng ký ức về thời kịch Lưu Quang Vũ bao trùm nền sân khấu VN, những năm 1980.
![]() Cảnh trong vở “Mùa hạ cuối cùng” |
Tôi đặt số đông những vở kịch đề tài đương đại của Vũ vào mảng sáng tác văn học và sân khấu mang tính phản biện xã hội (thời đó chưa dùng từ này) những năm 1980. Ở sân khấu, bên cạnh nhiều vở của Vũ (Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi…) là một số vở của Xuân Trình. Ở văn học thì nổi bật là mấy tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn (Đứng trước biển, Cù lao Chàm). Đặc điểm của loại sáng tác này là vừa nương theo (truyền đạt, minh họa) cái nhìn chính thống, vừa gài vào đó những ý mang tính thảo luận, phản biện, đôi khi nhân danh những mảng miếng hài hước châm biếm kiểu tuồng chèo. Một khi số đông công chúng tỏ ra đồng lòng thích thú một tác phẩm nghệ thuật dường như minh họa những chủ trương chính thống, thì bên trong tác phẩm kia chắc hẳn còn có những gì đó đã có thể khiến họ cảm mến và đồng tình, ít ra là trong giới hạn những điều kiện cuộc sống cụ thể ở thời điểm đó.
Có một sự việc gây cho tôi ấn tượng khá mạnh. Ấy là ít lâu sau đám tang gia đình Quỳnh - Vũ, một lần, ngồi với một số anh em tại Văn phòng Hội Sân khấu, anh Xuân Trình đưa ra cho chúng tôi xem một tờ giấy khá lạ, trên mặt giấy là những hàng chữ ngoằn ngoèo rất khó đọc. Anh Xuân Trình bảo đấy là một tờ ghi sổ tang tại đám tang Quỳnh - Vũ, người ghi là một nhân vật cao cấp. Anh Xuân Trình có mặt tại chỗ khi vị lãnh đạo này đang ghi, thấy tay ông run lật bật như tay người bị parkinson, dù ông không mắc chứng ấy. Vị lãnh đạo nói với anh Xuân Trình (khi đó là Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu): “Tôi xúc động quá anh ạ!”
Những ai dự đám tang Quỳnh - Vũ hẳn đều ghi nhận, đấy là đám tang to nhất, đông nhất tại Hà Nội thời gian ấy, dành cho một văn nghệ sĩ, từ đó tới nay chưa có đám nào sánh được. Rất đông người đi đưa tang không phải là bạn bè trong giới văn học hay sân khấu, mà đơn giản chỉ là những khán giả thính giả từng xem từng nghe các vở diễn tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Rất có thể, một cách vô tình, cái cách biểu lộ sự hâm mộ, sự quý mến, trân trọng một văn nghệ sĩ của đám đông công chúng đã khiến vị cán bộ cao cấp ngạc nhiên đến mức bất ngờ.
Không rõ hiện giờ ở Hội Sân khấu còn lưu giữ được tờ giấy nói trên hay không? Tôi nghĩ, đó là một hiện vật nói được rất nhiều điều.