![]() |
Nhà Rông nơi diễn ra các luật tục của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên |
Nguồn: pleiku.gialai.gov.vn |
Mỗi dân tộc, luật tục có tên gọi riêng như hương ước của người Việt, Hịt khỏng của người Thái, Phat Kdi người Ê đê…Theo các chuyên gia, Luật tục là sản phẩm xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đời sống xã hội của mỗi dân tộc, gồm những chuẩn mực xã hội, giới hạn hành vi ứng xử của mỗi cá nhân và cả cộng đồng sao cho phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng. Luật tục phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn thể cộng đồng với vai trò điều chỉnh và điều hòa các quan hệ xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với gia đình - dòng họ, giữa cá nhân với buôn làng, với xã hội, với tự nhiên và cả với các lực lượng siêu nhiên... nhằm ổn định một trật tự có lợi cho toàn thể cộng đồng.
Trong xây dựng nếp sống văn hóa mới, nhất là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa ở các buôn làng, những tiêu chí nếp sống mới được đưa vào. Tuy nhiên cần chú trọng giá trị tiến bộ của luật tục. Vì luật tục kết tinh giá trị tinh thần, văn hoá của một dân tộc trong một giai đoạn phát triển nhất định. Nó thể hiện tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, cộng đồng dân tộc rất cao và là chuẩn mực ứng xử từ lâu đời. Luật tục thường điều chỉnh các mối quan hệ gia đình như: quan hệ vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, anh chị em. Con cái phải thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; anh chị em phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đối với các dân tộc Ê Đê, M’Nông, Gia Rai… luật tục còn là công cụ hữu hiệu để bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và trẻ em. “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết, đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại” .
![]() |
Bảo vệ rừng dựa vào luật tục - “ Đánh dấu cây” theo kinh nghiệm truyền thống của đồng bào Tày - không được chặt cây đã được đánh dấu! |
Nguồn: cirum.org |
Thường khi nghiên cứu, sưu tầm luật tục vẫn chỉ chú ý đến khía cạnh văn hoá, sinh hoạt, đến các hủ tục và những bất cấp của luật tục. Tuy nhiên, nhiều mặt tích cực của luật tục trên các lĩnh vực khác chưa được đề cập đầy đủ như: giữ gìn trật tự an ninh, phòng chống các tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện ngập; bảo vệ các nguồn lợi từ thiên nhiên. Chẳng hạn như ở vùng các dân tộc Tây Nguyên, rừng được xem là nguồn tài sản vô giá của buôn làng, rừng có quan hệ chặt chẽ với cộng đồng dân cư, Vì vậy, luật tục quy định rõ tầm quan trọng của, rừng và việc bảo vệ rừng: “…cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại ngay, tay của họ tất phải xiềng lại ngay. Cả rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ”.
![]() |
Hương ước của làng có thể xem như là một hệ thống luật tục. |
Nguồn: cinet.gov.vn |
Việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản dưới sông, suối ở vùng người Mường được người dân quy định thành lệ tục và cũng hết sức khoa học. “Trên các con sông, suối được chọn ngăn từng khúc, từng khoang, có những khúc sông, suối ngày thường không ai được phép đánh bắt cá đó là những khúc sông suối có các đặc điểm: một nửa nước sâu còn một nửa dòng nước chảy vừa phải, có bãi cát ngầm thoai thoải hay nhiều hang hốc đá ngầm, rất thuận lợi, an toàn cho các loại cá sinh đẻ và trốn tránh kẻ thù, là nơi để cung cấp giống bền vững cho sự tái tạo, phát triển lâu dài của các loài”.
Khác với cách xử lý vi phạm pháp luật thông thường, việc xử lý các vi phạm trong luật tục nặng về tình cảm, đạo đức, thể hiện tính dân chủ cộng đồng và tính quần chúng. Từ việc hình thành và điều chỉnh các quy định cho đến việc thi hành bao gồm việc bàn luận công khai dân chủ trong cộng đồng, cùng thống nhất nhận định, kết luận về mức độ và tính chất của lỗi lầm, sai phạm; đến việc đưa ra các mức xử phạt và cuối cùng là theo dõi giúp đỡ sửa chữa, tránh tái phạm và thi hành các quy định của toàn thể cộng đồng. Chế tài xử lý trong luật tục cũng rất sinh động, cụ thể và không kém phần nghiệt ngã. Phạt về kinh tế cũng có khi là 1 con lợn nái, 1 con trâu, con bò. Phạt về nhân thân cũng có khi là bêu xấu, đuổi ra khỏi buôn làng…
![]() |
Ngủ Duông- nét đẹp trong luật tục của người Cơ Tu. |
Nguồn: cuocsongviet.com.vn |
Có thể xem là dạng di sản văn hoá phi vật thể, luật tục phát triển song hành cùng đời sống của các dân tộc. Chính vì thế, khi tiếp cận với những phong tục, tập quán, tập tục của mỗi dân tộc giúp chúng ta hiểu được quá trình phát triển, bề dày văn hóa của các tộc người. Luật tục góp phần giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với sự đa dạng, sâu sắc, cụ thể của các điều luật, luật tục chẳng những bổ sung tích cực, hoàn thiện, đầy đủ hơn cho pháp luật nhà nước, mà còn là cơ sở để các quy ước, tiêu chuẩn xây dựng nếp sống văn hoá được tiếp cận, vươn tới tận gốc rễ của cuộc sống buôn làng.
![]() |
Người Bru - Vân Kiều với hệ thống các luật tục cụ thể và chi tiết trong việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên |
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Quang Trọng, trong những năm đổi mới, đời sống KT – XH ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế hàng hóa đang dần dần tác động và thay thế nền kinh tế tự cung tự cấp dựa vào nương rẫy tự nhiên. Việc giao lưu văn hóa rộng mở có ảnh hưởng nhất định đến lối sống, phong tục tập quán. Điều đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến các quy định của luật tục, làm cho một số điều luật không còn tác dụng hoặc bị thay đổi.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải nghiên cứu luật tục một cách đầy đủ và có hệ thống. Điều này không chỉ giúp cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc mà còn giúp cho việc xây dựng, hoàn thiện thống pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống; bảo đảm sự bình đẳng về mọi mặt cho đồng bào mà trước hết cho phụ nữ và trẻ em các dân tộc phù hợp với trình độ phát triển và điều kiện sống. Đây cũng chính là tính nhân văn của pháp luật.