Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đã đạt 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tiềm năng của du lịch của Việt Nam còn rất nhiều. "Năm 2024, du lịch Việt Nam có thể vượt mục tiêu đề ra. Vấn đề đặt ra là du lịch cần nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, trong đó có công tác xúc tiến, quảng bá du lịch".
Báo cáo tình hình phát triển du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho rằng, sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 khiến thay đổi xu hướng tiêu dùng, du lịch xanh, bền vững. Dịch Covid-19 thúc đẩy du lịch số, du lịch xanh diễn ra nhanh hơn.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được cải thiện; thương hiệu du lịch Việt Nam ngày càng được củng cố, lan tỏa. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện xu hướng du lịch nội khối, chi tiêu gia tăng của khách du lịch châu Á.
Tuy nhiên, theo ông Siêu, ngành du lịch cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; giá cả dịch vụ, vé máy bay tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn.
Bên cạnh đó, các xu hướng mới của thị trường, công nghệ đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng cần kịp thời, hiệu quả. Cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế giải ngân kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa được khơi thông. Cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp chưa hiệu quả. Ngành du lịch cũng chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các văn phòng xúc tiến ở nước ngoài.
Để nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thực hiện vai trò định hướng về sản phẩm, hình ảnh, thị trường và kế hoạch, tổ chức và điều phối các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch vùng, quốc gia.
Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch quốc gia, bố trí, huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Các địa phương tham gia, hưởng ứng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức. Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương, phù hợp với định hướng chương trình, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch. Liên kết tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch có sự lan tỏa, kết nối các địa phương, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các hoạt động, sự kiện.
Các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp chủ động phối hợp tham gia triển khai chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia hàng năm trên tinh thần cùng chia sẻ nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển...
Tại hội nghị, các đại biểu là các cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm, phân tích các khó khăn và đề xuất giải pháp trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó nhấn mạnh, cần có sự liên kết, thống nhất trong hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xúc tiến du lịch năm 2024, ông Hà Văn Siêu cho biết sẽ có 3 hội chợ gồm: ASEAN - Trung Quốc, tháng 10; VITM London, CITM Trung Quốc, tháng 11; 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam như: Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc vào quý II; châu Âu, ASEAN, Ấn Độ trong quý III.
Đặc biệt, sẽ có 3 lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Tokyo, Kanagawa và Hàn Quốc. Việt Nam sẽ tổ chức các đoàn famtrip/presstrip tới các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Mỹ…