Theo dự thảo, đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I sẽ thành lập mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có 5 người gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và 3 tổ viên. Đơn vị hành chính cấp xã loại II, loại III sẽ thành lập mỗi tổ có 3 người gồm: Tổ trưởng, Tổ phó và 1 tổ viên. Riêng đối với ấp, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã loại II, loại III nếu có tình hình an ninh, trật tự rất phức tạp hoặc có điểm "nóng" về an ninh, trật tự thì có thể bố trí Tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm 5 người.
Mỗi thành viên Tổ an ninh trật tự ở cơ sở dự kiến được hưởng hỗ trợ thường xuyên hàng tháng là 1.800.000 đồng. Nếu có bằng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp sẽ được hỗ trợ thêm, cụ thể: sơ cấp 450.000 đồng; trung cấp 850.000 đồng; cao đẳng 1.150.000 đồng; đại học trở lên hoặc đại học chính trị 1.450.000 đồng. Thành viên tổ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và 2/3 tiền đóng bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để triển khai từ ngày 1.7.2024. Đồng thời, tham gia góp ý vào nhiều nội dung. Trong đó, về trình độ văn hóa, theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, trình độ người tham gia lực lượng này phải có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, rất nhiều người dù có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, thâm niên tham gia các lực lượng trước đây (như bảo vệ dân phố; công an xã bán chuyên trách, công an viên phụ trách ấp; đội trưởng, đội phó dân phòng) nay chuyển tiếp sang Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì không bảo đảm trình độ theo quy định. Vì vậy, đề nghị xem xét chỉ quy định trình độ đối với nhân sự tuyển mới sau khi Luật có hiệu lực. Còn đối với các lực lượng trước đây tiếp tục sử dụng vào Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì không nên quy định trình độ.
Đối với số lượng thành viên tổ, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến khác nhau như: đề nghị phân loại thêm đơn vị hành chính cho phù hợp: đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có 5 người, đơn vị hành chính cấp xã loại II có 4 người, đơn vị hành chính cấp xã loại III có 3 người; đề nghị đơn vị hành chính cấp xã loại II nhưng thuộc địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, biên giới, có nhiều khu cụm công nghiệp, dân cư đông, giáp ranh Thành phố Hồ Chí minh, thì có 5 thành viên; số lượng thành viên tổ tính theo phường, thị trấn thì 5 thành viên, các xã thì 3 thành viên; tính theo số lượng người dân trên địa bàn.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về chế độ hỗ trợ đối với lực lượng này như: đề nghị không nên quy định con số tuyệt đối như dự thảo, mà tính chế độ hỗ trợ tăng theo tiến trình tăng lương và có tính phụ cấp thâm niên của người tham gia; cần phân loại, bổ sung tổ phó có chế độ cao hơn tổ viên, tổ trưởng có chế độ cao hơn tổ phó; nên tính theo hệ số 1,0 mức lương cơ sở hiện nay; đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thành Vững đánh giá rất cao các ý kiến đóng góp của đại biểu. Chủ trì hội nghị ghi nhận, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp sát thực, phù hợp để tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự thảo nghị quyết, làm cơ sở trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định ban hành tại Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) khai mạc vào ngày 1.7.2024 tới đây.