Dự Kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Văn Nghiệm; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu.
Tập trung thảo luận, hiến kế các giải pháp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu cho biết: Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 1 kỳ họp thường lệ, 3 kỳ họp chuyên đề, 1 kỳ họp đột xuất thông qua nhiều Nghị quyết, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của tỉnh.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2023; Dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2024; Phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương…
Trên cơ sở xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét thông qua 33 dự thảo Nghị quyết được chia làm 6 nhóm dự thảo Nghị quyết về chính sách, nghị quyết về định mức, nghị quyết về chủ chương đầu tư các dự án, chương trình… Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu kỹ các báo cáo, tập trung thảo luận về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách của từng nghị quyết; Phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách; Chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó hiến kế các giải pháp, đưa ra quyết định sát, đúng các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh: Năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động, chưa có tiền lệ khó khăn thách thức, diễn biến thất thường của thời tiết. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND, HĐND đã tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lắng nghe ý kiến Nhân dân và bám sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cần có sự nhìn nhận đánh giá lại những kết quả chưa đạt được để từ đó khắc phục trong thời gian sớm nhất. Thông qua kỳ họp, cần nhanh chóng thông qua các nghị quyết có tính khả thi nhất khi đưa vào cuộc sống.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cho biết: Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; Những khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế, thị trường bất động sản trầm lắng, sự thiếu đồng bộ giữa một số cơ chế, chính sách đã tác động đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn trong năm 2023 phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,0%, cao hơn mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 cả nước đạt trên 5%. Trong đó: Nông, lâm nghiệp tăng 6,55%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,18%; Dịch vụ tăng 6,77%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,39%. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,74%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,8 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và có bước tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,21% so với năm 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, đăng ký thành lập mới 653 doanh nghiệp, tăng 48% so với cùng kỳ.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được triển khai thực hiện tốt, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường, không có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra, không phát sinh dịch bệnh mới. Dự ước hết năm 2023, toàn tỉnh có 2.690 giường bệnh, đạt 33,3 giường bệnh/vạn dân; 11,3 bác sĩ/vạn dân; 100% các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94,3%.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Tiến Thiệu cũng cho biết: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn thách thức. Tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm còn chậm; Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư, công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai một số nội dung thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số nơi, đặc biệt là những vùng khó khăn chưa được cải thiện nhiều; cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên đặc thù còn thiếu tại một số địa phương…
Năm 2024, với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 phấn đấu đạt 7 - 7,5%; Xây dựng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Phát triển toàn diện ngành du lịch, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn..., tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư. Thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia vào thị trường. Tăng cường xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nhất là các dự án du lịch trọng điểm; Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch.