Trực diện, súc tích và thực sự thiết thực
- Chiều nay, lần đầu tiên Diễn đàn Người lao động năm 2023 sẽ được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức Diễn đàn này?
- Trên cơ sở sáng kiến, đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn Người lao động đầu tiên với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước ta vừa trải qua gần 3 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống. Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nền kinh tế khởi sắc trở lại, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân tiếp tục được quan tâm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng và tăng cường; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc hội, Chính phủ quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023.
Trong bối cảnh đó, tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, người lao động cơ bản ổn định, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trên bình diện toàn cầu và ở nước ta từ đầu năm đến nay đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức hơn dự báo do những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế. Điều này đã tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của đoàn viên, người lao động.
Việc tổ chức Diễn đàn Người lao động có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để đại diện cử tri là đoàn viên, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn, nhất là trong kế hoạch xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV của Quốc hội đã xác định việc xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến người lao động. Diễn đàn cũng sẽ là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng như chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
- Xin ông cho biết công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn như thế nào?
- Lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức Diễn đàn này và đã chỉ đạo rất sát sao. Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp làm việc với các cơ quan, rà soát công tác chuẩn bị, nhất là về nội dung trao đổi tại Diễn đàn với yêu cầu phải trực diện, súc tích, thực sự thiết thực, không chỉ phục vụ việc xây dựng một số dự án luật có liên quan trong thời gian tới mà còn phải hướng đến việc thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng ta về chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và cácchủ trương, chính sách về người lao động, về tổ chức Công đoàn, đáp ứng yêu cầu, mong muốn, kỳ vọng của người lao động đối với Quốc hội trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và lĩnh vực xây dựng pháp luật sẽ đồng chủ trì Diễn đàn, trực tiếp trao đổi với người lao động về các vấn đề người lao động quan tâm.
Việc tổ chức Diễn đàn có sức lan tỏa rất lớn khi đến nay đã có gần 50 đại biểu là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương liên quan, Thường trực Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định tham dự. Và đặc biệt là 500 đại biểu đại diện cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương tương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, người lao động đại diện cho các ngành, lĩnh vực...
Diễn đàn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng - phòng họp toàn thể của Quốc hội tại các kỳ họp. Điều này thể hiện sự trân trọng của Lãnh đạo Quốc hội đối với người lao động - những cử tri đặc biệt đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước trong mọi ngành, nghề, lĩnh vực trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt
- Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung gì, thưa ông?
- Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính. Một là, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất các ý tưởng, giải pháp nhằm vượt qua những khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội, phúc lợi cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Ba là,công tác giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan; phản ánh thực tiễn thi hành, góp ý đối với việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…
- Mặc dù Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức, nhưng thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy, tâm tư, nguyện vọng của người lao động luôn được lắng nghe, thấu hiểu và phản ánh sâu đậm trong các quyết sách cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thưa ông?
- Đúng vậy. Quốc hội luôn đặt người dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, trước những tác động nặng nề chưa từng có của dịch bệnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động vào cuộc, làm việc bất kể ngày đêm để kịp thời ban hành các chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù, bao phủ toàn diện các lĩnh vực để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, từ chính sách về phòng, chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội đến thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng để tạo việc làm bền vững cho người lao động... Nhiều chính sách là sáng kiến của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, được đề xuất trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, của công nhân, người lao động...
Ngay tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã tiếp tục có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. Quốc hội cũng quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền, quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sửa đổi, bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, cho người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và kích cầu du lịch…
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đặc biệt chú trọng việc lấy ý kiến của người lao động về các dự thảo chính sách, nhất là các dự thảo chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động như các dự luật hiện đang được Quốc hội xem xét như: dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi)... Đặc biệt, trong kế hoạch lập pháp của Quốc hội Khóa XV, tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi rất nhiều luật về lao động, việc làm, các chế độ, chính sách cho người lao động vừa bảo đảm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong muốn của người lao động vừa thích ứng hiệu quả với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, việc làm trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ngày càng sâu sắc, những diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới.
- Từng là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và bây giờ trên cương vị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều khiến ông trăn trở nhất khi nghĩ về người lao động nói chung và công nhân nói riêng là gì?
- Điều khiến tôi trăn trở nhất đối với người lao động, với công nhân chính là làm thế nào để họ thực sự an cư lạc nghiệp, không phải chỉ trên chính mảnh đất quê hương mình mà dù ở bất cứ nơi nào cũng được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về việc làm, về môi trường sống, về việc học hành cho con cái, được chăm sóc y tế, được thụ hưởng các thiết chế văn hóa...
Thực hiện các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, đời sống của người lao động cả nước đã không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm tốt hơn, nhưng so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó có những việc phải được xem xét một cách tổng thể, được quyết đáp bởi Quốc hội để có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai thực hiện. Đơn cử như câu chuyện nhà ở công nhân, khi tôi làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tích cực thúc đẩy vấn đề này. Việc thực hiện tại các địa phương thời gian qua cũng đã đạt một số kết quả bước đầu. Nhưng nhìn chung, đến nay, đây vẫn là vấn đề nóng, còn nhiều trăn trở. Khi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cũng đã đề nghị phải có quy định tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế dành cho công nhân. Hay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện cũng đã đề xuất một số cơ chế, chính sách mới, đột phá liên quan đến vấn đề nhà ở công nhân.
Như vậy để thấy rằng, Diễn đàn lần này mang tính chất như một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt giữa Lãnh đạo Quốc hội với người lao động. Mặc dù đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với người lao động được các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ở nhiều địa phương thực hiện, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Thường trực các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành... cùng lắng nghe, cùng trao đổi những vấn đề người lao động quan tâm, những vấn đề ở tầm chính sách vĩ mô thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đã lưu ý các cơ quan rằng, "Diễn đàn đầu tiên này được tổ chức trong bối cảnh kinh tế trong nước và kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực diện đến đời sống của người lao động, nếu không thành công là có lỗi với người lao động". Tôi tin rằng, với sự quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và sự chuẩn bị chu đáo của Văn phòng Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Diễn đàn Người lao động năm 2023 sẽ thành công tốt đẹp và từ đây có thể tạo cơ sở hướng tới việc tổ chức thường xuyên hoạt động này để Quốc hội lắng nghe được nhiều nhất, toàn diện nhất, trực diện nhất những vấn đề người lao động quan tâm, mong muốn, kỳ vọng và yêu cầu đặt ra với Quốc hội và cả những ý kiến đóng góp tâm huyết, những sáng kiến được chắt lọc từ thực tiễn cuộc sống, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!