Làng quê 2000 năm tuổi
Theo truyền tụng, Đôn Thư có từ 2000 năm trước, thuở Hai Bà Trưng dấy binh chống xâm lược nhà Hán. Dấu ấn đất cổ còn khá đậm, làng có 9 xóm, một bên là thổ cư, một bên là đầm hồ, địa hình vừa đẹp vừa dễ dựng luỹ chống giặc. Đình và miếu làng Đôn Thư đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1992. Miếu làng uy nghi bên một gốc đa cổ kính, thờ Đức Thánh Mẫu, tương truyền là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, từng đến Đôn Thư chiêu tập dân binh và cũng có công chiêu dân lập ấp. Theo truyền thuyết, trong miếu có mộ Bà ở dưới ban thờ. Đình làng Đôn Thư thờ Quang ý Đại Vương, tương truyền là võ tướng triều Lý, có công dạy dân nghề làm nón ngang, tức nón thúng quai thao, và truyền cho dân cả nghề tằm tang. Vậy là từ xa xưa người dân Đôn Thư đã có nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, và cả nghề làm nón, nên đời sống sung túc…
Khu đất ruộng phía đông của làng có một cây cổ thụ. Dưới tán cổ thụ có một bia đá dựng từ thời Lê, văn bia ghi công đức của Đức Thánh Phụ (chồng của Đức Thánh Mẫu). Truyền thuyết địa phương kể rằng, Đức Thánh Phụ sống trong một túp lều lợp lá sen, sớm đi đánh dậm, chiều đem ra chợ bán. Một lần, thấy hai quả trứng rắn, cứ gạt ra lại trôi vào dậm, thấy vậy Ngài đem về. Trứng nở ra hai con rắn có mào, hàng ngày cứ ẩn, hiện theo Ngài, dân chúng gọi là hai “ông lốt” (thủy thần đội lốt rắn). Một ông từng thò lộ đuôi, bị chó cắn cộc. Dân gọi ông lốt cộc là Đức Thánh Cả, ông lốt dài là Đức Thánh Hai. Về sau dân làng lập Đền, thờ hai vị thủy thần. Truyền thuyết này thường phổ biến ở các làng có tục thờ thủy thần, (ngoài Đôn Thư, thì xã Kim Bài, Phương Trung cũng có tục này). Xưa kia, khi có đại hạn, mấy làng này tiến hành rước nước, cầu đảo, đều có ứng nghiệm. Trong lễ cầu đảo, làng Đôn Thư phải làm mô hình túp lều lợp lá sen, mở cửa đền, thỉnh 3 hồi chuông rồi thực hành một số lễ thức. Đây là một nghi thức tín ngưỡng cổ khá phổ biến ở cộng đồng các cư dân nông nghiệp xưa.
Làng vua ban Mỹ tục khả phong
Đôn Thư, có nghĩa là cái giá để sách. Có lẽ vì cái tên có nghĩa chứa đựng thi thư như vậy mà làng quê này phát về văn nghiệp chăng? Xưa kia Đôn Thư có hơn 30 người đỗ từ Tú tài, Cử nhân, tới Tiến sỹ, Thám hoa; làm quan trong triều, làm tri huyện, tri phủ ở nhiều địa phương. Trong số đó, danh sỹ Vũ Công Trấn (1685-1755) là niềm tự hào lớn của người Đôn Thư. Thời trẻ ông đã đỗ khoa Sỹ vọng, đến năm 40 tuổi lại đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn 1724, niên hiệu Bảo Thái thứ năm đời Lê Dụ Tông. Trong khoảng niên hiệu Long Đức (1732-1735), ông coi việc ở Công phiên, thẳng thắn xét kiện, không hợp ý chúa, nên bị Trịnh Giang bãi chức năm 1733. Trịnh Doanh lên cầm quyền, rất trọng vọng ông, năm 1740 lại mời ông ra làm việc. Năm 1748, Vũ Công Trấn cùng Hà Tông Huân làm Chánh trưởng Tả, Hữu Pháp ty. Trịnh Doanh từng bảo ông rằng: “Chức Pháp ty là tai mắt của vua, đời xưa đặt ra người giữ phép ở bên cạnh vua là để nhờ vào uy phong của người ấy mà thi hành hiến pháp... Ngươi giữ chức đàn hặc mà lại cương trực, đáng làm chức Pháp ty bên cạnh ta. Phàm việc chính trị to lớn của nhà nước, ngươi cùng với hai ban văn, võ họp bàn. Nếu thấy có việc gì hơn kém, nặng nhẹ chưa được công bằng, cho phép ngươi được bàn luận cho rõ sai, đúng rồi làm sớ tâu lên”. Khi ông giữ chức Bồi tụng, Tả thị lang bộ Binh kiêm Đông các đại học sỹ, được phong tước Thư Trạch hầu. Lúc đã về trí sỹ còn được Trịnh Doanh triệu ra giúp việc triều chính. Học trò gần xa tìm đến xin thụ giáo rất đông, nhiều người về sau thành đạt, nổi tiếng.
Ngoài Vũ Công Trấn, Vũ Phạm Hàm (1864- 1906) cũng là một niềm tự hào của người làng Đôn Thư. Thuở bé được thân phụ là Vũ Phạm Dự trực tiếp dạy dỗ. Theo lệ, trường Quốc Tử giám chỉ dạy con em trong Hoàng tộc hoặc con các đại thần trong triều. Chỉ là con một thầy đồ, nhưng Vũ Phạm Hàm được Quan đốc học Quốc Tử giám thấy tư chất thông minh nên đã khảo thử, thấy mến tài nên cho theo học. Sau thời gian đèn sách ở Quốc Tử giám, năm 19 tuổi ông thi Hương, đỗ Giải nguyên (đỗ đầu). Vì có thời gian chịu tang mẹ, nên đến khoa Nhâm Thìn 1892, niên hiệu Thành Thái thứ tư Vũ Phạm Hàm mới đi thi, và đỗ Thám hoa. Sau đó Vũ Phạm Hàm được bổ làm Đốc học Hà Nội. Thật đáng tiếc, sự nghiệp vừa mở rộng, tài năng văn chương đang độ phát triển, thì Vũ Phạm Hàm, tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì chẳng may bệnh nặng, mất khi mới 43 tuổi, để lại cho đời 2 tác phẩm là Thư Trì thi tập và Tập đường thuật hoài…
Từ thời Trần, dòng họ Nguyễn Hầu đã đăng khoa và có tới 17 người được phong tước hầu, tước bá. Qua các thời Lê, Nguyễn, hơn 30 dòng họ ở Đôn Thư không chỉ có họ Vũ đỗ cao, danh lớn, mà hầu hết các họ đều có người đỗ đạt. Truyền thống như vậy, nên thời Nguyễn, làng đã được tặng bức đại tự sơn son thếp vàng với 4 chữ Mỹ tục khả phong.