Lan tỏa giá trị “kho báu” Châu bản

Sau 5 năm Châu bản triều Nguyễn được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, công tác quảng bá, đặc biệt là quảng bá trực tuyến Châu bản đã và đang được đẩy mạnh. Theo các chuyên gia, quảng bá di sản trên môi trường số không chỉ là giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh, mà đó còn là giải pháp tất yếu mang tính bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, đây là hành trình không hề dễ dàng, đòi hỏi sự thay đổi và thích ứng.

Quảng bá Châu bản triều Nguyễn trên nền tảng số - Nguồn: hcmcpv.org.vn
Quảng bá Châu bản triều Nguyễn trên nền tảng số
Nguồn: hcmcpv.org.vn

Đánh thức di sản tư liệu
Nhằm nhìn lại công tác bảo quản và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn sau 5 năm trở thành Di sản tư liệu, ngày 23.12, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.
Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính còn lại duy nhất, tương đối toàn vẹn của chế độ quân chủ cuối cùng ở Việt Nam có lưu bút tích của các Hoàng đế. Mỗi trang tài liệu là một câu chuyện sống động đương thời. Đó không chỉ là câu chuyện lịch sử của một triều đại, lịch sử của một dân tộc, quốc gia mà còn là lịch sử của khu vực và thế giới. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Sau những năm tháng lặng yên dưới lớp bụi thời gian, Châu bản lại nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong và ngoài nước. 
Những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nỗ lực để đưa các giá trị quý hiếm của tài liệu lưu trữ nói chung và Châu bản triều Nguyễn nói riêng đến gần hơn với công chúng bằng rất nhiều hình thức. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc quảng bá Châu bản triều Nguyễn trên môi trường số đã bước đầu được thực hiện, mang lại cho công chúng nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Mới đây nhất, ngày 3.9, trên nền tảng kỹ thuật số, đồ họa 3D, hơn 100 Châu bản, Mộc bản về ngày khai giảng, trường học, người thầy, thi cử được lựa chọn giới thiệu trong không gian 3D của triển lãm “Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại”. Trường học, trường thi xưa được tái hiện một cách sinh động, đã thu hút sự quan tâm và phản hồi tích cực của công chúng. 
PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, chúng ta đã thấy nhiều bạn trẻ vào trang web, fanpage của các trung tâm lưu trữ quốc gia, trong đó có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để đọc tài liệu, xem hình ảnh, video giới thiệu về Hà Nội xưa; về bút phê, nét chữ của các nhà vua; về cảnh lều chõng của sĩ tử, về cách giám sát thi cử thời xưa… Những bình luận của độc giả về các chuyên đề được giới thiệu và triển lãm từ thông tin, hình ảnh của các Châu bản thời Nguyễn cho thấy sự quan tâm của công chúng trẻ. 
Nhiều tiềm năng, không ít thách thức
Hiệu quả rõ ràng mà quảng bá trực tuyến mang lại là kết nối được hàng chục nghìn người quan tâm trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Cũng nhờ phục vụ khai thác Châu bản trên bản số hóa nên đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc với bản gốc tài liệu (bao gồm cả đọc trực tiếp và sao chụp bản gốc). Điều này giúp cho việc bảo quản tài liệu tốt hơn...

Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Hồng Nhung, Trung tâm Lưu Trữ quốc gia I cho rằng, việc quảng bá trực tuyến Châu bản triều Nguyễn cũng như nhiều tài liệu lưu trữ giá trị khác đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, việc bảo mật khi đưa tài liệu và thông tin lên mạng là vấn đề vô cùng quan trọng. Cũng cần quan tâm việc chuyển những thông tin văn bản hành chính khô khan, lại bằng chữ Hán Nôm - là cổ ngữ, không còn phổ biến hiện nay thành một sản phẩm hấp dẫn bằng công nghệ để công chúng tiếp cận một cách dễ dàng. Câu chuyện chuyển đổi số còn xuất phát từ vấn đề con người, bao gồm cả quá trình chuyển đổi tư duy, thích nghi với cách làm việc và cách tiếp cận mới. Ứng dụng công nghệ cao cũng đặt ra thách thức tương ứng về kinh phí thực hiện. 
“Quảng bá Châu bản trực tuyến trong thời đại số không thể chỉ là vấn đề chuyển đổi công nghệ mà quan trọng trước hết là cần chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi tư tưởng phục vụ. Nếu trước đây gần như lưu trữ chỉ là nơi dành cho nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn, thì đến nay đối tượng của lưu trữ là mọi người. Quảng bá Châu bản trực tuyến trong thời đại số không chỉ là sứ mệnh của riêng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, mà rất cần sự phối hợp của các cơ quan, các nhà sử học, truyền thông, công nghệ, nhà thiết kế, nhà giáo dục… và cả công chúng” - ThS. Nguyễn Hồng Nhung khẳng định. 
Trong xu thế chuyển đổi số, bên cạnh quảng bá theo phương thức truyền thống, việc quảng bá Châu bản qua giải pháp công nghệ cần được đẩy mạnh, để Châu bản không chỉ giới thiệu tới công chúng trong nước, mà còn được lan tỏa trên thế giới. PGS.TS Vũ Thị Phụng cho rằng: “Châu bản triều Nguyễn là một kho báu vô tận về tư liệu, thông tin, nên việc phát huy giá trị của di sản đặc biệt này cũng không có giới hạn... Mặc dù cơ quan lưu trữ đã rất nỗ lực, nhưng việc phát huy giá trị Châu bản để đáp ứng nhu cầu của công chúng mới chỉ là bước đầu. Vì vậy, đây vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng cho các hoạt động phong phú và sáng tạo để có thể phát huy các giá trị từ Châu bản, thỏa mãn nhu cầu tìm về nguồn cội của người dân”.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.