Siết lại kỷ cương…
Theo PGS.TS Bùi Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, chất lượng đào tạo là danh dự và tương lai của nhà trường; đào tạo gắn với việc làm sẽ đưa nhà trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, song hành với đó phải xây dựng một mái trường thân thiện, có nề nếp, kỷ cương, kỷ luật nghiêm túc. Và bắt đầu từ mỗi thầy cô, là những tấm gương cho các em.
Bởi thế nhiều năm qua, HVCT luôn tập đào tạo theo nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và của nhà nước về nguồn nhân lực. Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại. Tạo môi trường thân thiện cho giáo viên và học sinh, sinh viên giảng dạy và học tập.
Nhớ lại thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, thầy Nguyễn Hoàng Tuấn, giảng viên khoa Điện lạnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Đại dịch đã làm thay đổi và xáo trộn mọi mặt đời sống và giáo dục cũng không ngoại lệ. Toàn bộ giáo viên, học sinh phải chuyển sang dạy và học trực tuyến, kể cả các tiết dạy hành. Đây là thách thức lớn nhất đối với các trường nghề. Tuy nhiên, may mắn trong nhiều năm trước đó, nhà trường đã chú trọng đến công tác số hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy. ''Đơn cử, việc đưa 8 giáo viên đi tập huấn ở Hà Lan, trong đó có tôi đã giúp cho nhà trường mau chóng triển khai việc dạy và học online, nhất là việc mô phỏng các kỹ năng nghề trên môi trường số… đi vào ổn định, có hiệu quả.'' - thầy Nguyễn Hoàng Tuấn nói.
Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường vẫn duy trì dạy online với 6 môn lý thuyết. Các giờ học online đều có nhân viên nhà trường kiểm tra từ giờ vào lớp, số lượng cho tới chất lượng nên vấn đề kỷ luật, kỷ cương lớp học hoàn toàn bảo đảm. Như chia sẻ của em Nguyễn Tuấn Kiệt, hiện là học sinh năm thứ hai, hệ 9+, khoa Điện lạnh cho biết, em rất ấn tượng với môi trường và cách giảng dạy của nhà trường. Thời lượng thực hành nhiều nên sau hai năm, Kiệt và các bạn đã nhận diện và sửa được hết các lỗi cơ bản của tất cả các hãng điều hòa. ''Hơn nữa, đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ Tiền Giang lên Sài Gòn học tập như em, được miễn hoàn toàn tiền học nghề, lại được ăn, nghỉ tại trường với chi phí phù hợp; có nơi rèn luyện thể thao, đá bóng… quả là niềm mơ ước'' - Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ.
Tạo sự gắn kết
Thầy Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ, Covid- 19 gây ảnh hưởng nhiều tới tuyển sinh. Phần vì nhiều công ty bị phá sản hoặc nguồn thu liên tục bị giảm; nhiều phụ huynh vì quá khó khăn nên muốn con em mình đi làm để giải quyết bài toán mưu sinh trước mắt…
Trước tình hình này, PGS.TS Bùi Văn Hưng - khi đó mới nhậm chức hiệu trưởng đã kêu gọi tất cả các khoa cùng tham gia vào quá trình tư vấn tuyển sinh. Sau những buổi dạy, các giáo viên cùng nhà trường đến các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên để chia sẻ với các em về ngành của mình, về tương lai nghề nghiệp, việc làm... Qua những buổi tư vấn tuyển sinh, thầy Nguyễn Hoàng Tuấn và nhiều đồng nghiệp khác thấy vui vì đã có cơ hội thể hiện bản thân ở một lĩnh vực mới và khó; đồng thời, các giáo viên học được rất nhiều kinh nghiệm nói trước đám đông, thuyết trình, quản lý lớp... Quan trọng hơn, ''đến thời điểm này, dù tuyển sinh hệ cao đẳng chưa đạt như kỳ vọng nhưng hệ trung cấp và đào tạo liên kết lại vượt kế hoạch đề ra. Đó cũng là kết quả đáng khích lệ'' - thầy Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định.
Đồng tình với khẳng định của thầy Nguyễn Hoàng Tuấn, cô Ngô Thị Hồng giáo viên Bộ môn may, thiết kế thời trang - kiêm Chủ tịch Công đoàn trường cho rằng, việc lôi cuốn các giáo viên tham gia trực tiếp vào tuyển sinh không chỉ đơn thuần là sự chia sẻ trách nhiệm với nhà trường mà đó còn là sự gắn kết chặt chẽ giữa các thầy cô, các khoa với nhau, tạo sự thông cảm, thấu hiểu để cùng nhau hoàn thành các mục tiêu của nhà trường.
Chủ tịch Công đoàn Ngô Thị Hồng cho biết, Covid -19 để lại nhiều hậu quả nặng nề, trong đó có cả những sang chấn về mặt tâm lý. Do đó, ngay từ khóa học 21 (2020-2021), nhà trường đã đưa vào giảng dạy các kỹ năng mềm cho học sinh và cả giáo viên, nhằm thay đổi tư duy, rèn thái độ sống tích cực, lành mạnh. Lãnh đạo nhà trường cho sửa sang lại phòng ăn tập thể, xây dựng mới sân bóng, khu thể thao… để các em học sinh vui chơi, vận động thể chất sau mỗi ngày học trên giảng đường. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng nhà trường vẫn bảo đảm mức lương, thưởng cho cán bộ, giáo viên; duy chỉ bộ phận hành chính bị giảm thu nhập so với khối giáo viên. Ngoài ra, để bảo đảm duy trì nề nếp học tập, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các học sinh, sinh viên, nhà trường đã triển khai mỗi khoa một cố vấn học tập để kiểm tra chất lượng, sự chuyên cần của các em; từ đó, thông báo cho phụ huynh về chất lượng học tập của con em họ. Riêng các cố vấn học tập, nhà trường sẽ đánh giá kết quả công việc và tính lương dựa trên chất lượng học sinh, sinh viên do chính họ quản lý, để các cố vấn phải chịu trách nghiệm với công việc của mình.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn khó khăn do áp lực đổi mới, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế và sự chuyển giao điều hành trong hàng ngũ lãnh đạo nhưng với truyền thống tốt đẹp của 44 năm xây dựng, trưởng thành, với sự tâm huyết, trách nhiệm và khát khao đổi mới của cán bộ, giáo viên, chắc chắn Cao đẳng Kỹ nghệ II sẽ vượt lên, xứng đáng là lá cờ đầu về tự chủ giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói riêng, cả nước nói chung" - Chủ tịch công đoàn Ngô Thị Hồng hy vọng!