Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông(GDPT) trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi. Trong đó, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Về đội ngũ giáo viên được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chương trình sách giáo khoa mới được đầu tư đồng bộ; triển khai lựa chọn sách giáo khoa minh bạch, công khai, đúng quy định.
Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội) được các cấp chính quyền trong tỉnh triển khai rất nghiêm túc. Công tác tuyên truyền về chương trình sách giáo khoa mới được chú trọng. Nhờ vậy, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT vẫn còn một số khó khăn, như: thiếu biên chế giáo viên, thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; chất lượng giáo dục khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chưa bền vững; cơ chế, chính sách đặc thù đối với giáo viên, học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS còn bất cập, vướng mắc…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết: Tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phát huy những kết quả đạt được và nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để rút ra kinh nghiệm trong thời gian tới. Trong đó, tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới sách giáo khoa GDPT.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh đánh giá cao công tác triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của tỉnh. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bổ sung, hoàn chỉnh để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và phản ánh với Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Đồng thời, triển khai đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào DTTS để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình sách giáo khoa GDPT năm 2018 và mở rộng cơ chế hợp đồng giáo viên; Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu, vùng xa…
Tiếp thu những kết quả và kiến nghị trên, tại buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh đã đánh giá cao công tác triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời, sẽ tổng hợp các kiến nghị để phản ánh với Quốc hội, các cơ quan Trung ương, địa phương xem xét. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ động có giải pháp khắc phục những khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học chương trình GDPT mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.