Vọng mãi tiếng trống trận Kim Sơn
Bước chân chúng tôi đã qua bao tháng năm/ Đứng nơi đầu sóng canh giữ lấy đất trời/ Của quê hương ta Kiến Thụy yêu thương/ Của người Hải Phòng trung dũng kiên cường… Những lời ca trong ca khúc Tự hào quê hương chúng tôi của nhạc sĩ Văn Dung được xướng lên mỗi dịp lễ lớn của đất nước, của quê hương, luôn tràn đầy giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Kiến Thụy về những năm tháng bền bỉ đấu tranh, hăng say lao động, kiến thiết. Về Kiến Thụy những ngày Thu lịch sử này, bên những địa danh nhuốm màu thời gian, vẫn thấy đâu đây miền quê của những ngày đầu cách mạng, nơi đã chứng kiến và ghi lại biết bao sự kiện lịch sử vàng son suốt tiến trình xây dựng và trưởng thành.

Ảnh: Mạnh Tuân
Đã từng biết đến một Kiến Thụy qua những thước phim tư liệu, qua những câu thơ thắm đượm ân tình, thế nên, dẫu lần đầu đặt chân đến vùng quê cách mạng này, trong chúng tôi ai cũng cảm thấy thân quen và bùi ngùi xúc động. Kiến Thụy hôm nay, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, đường làng sạch đẹp, trường học khang trang… Để có thể hình dung rõ hơn về giai đoạn cách mạng quan trọng của đất nước 75 năm về trước, chúng tôi tìm về làng Kim Sơn (xã Tân Trào) nơi ra đời chính quyền cách mạng đầu tiên vùng duyên hải Bắc Bộ.
Ở Kim Sơn, nhiều người tham gia Cách mạng tháng Tám đã đi xa. Trong số những người còn ở lại, chúng tôi may mắn được gặp cụ Đặng Nam. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cụ 97 tuổi vẫn nhớ như in những ngày đầu tham gia hoạt động cách mạng. Ngày đó, làng Kim Sơn nghèo đói lắm, quanh năm lam lũ mà chẳng đủ gạo ăn vì sưu cao, thuế nặng, một cổ hai tròng áp bức. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng ở Kiến An – Hải Phòng ngày càng lan rộng. Phủ Kiến Thụy, thuộc tỉnh Kiến An vốn là cái nôi của phong trào cách mạng, giữa năm 1944, nhiều đoàn thể cứu quốc được thành lập. Cụ Nam lúc đó là một thanh niên yêu nước đã được giác ngộ và đứng trong hàng ngũ lực lượng tự vệ làng Kim Sơn, xã Tân Trào.
Cụ Nam bồi hồi nhớ lại, khí thế lúc đó sục sôi lắm. Từ tháng 3, Việt Minh ở các quận huyện khu vực tỉnh Kiến An và thành phố Hải Phòng với hỗ trợ của lực lượng tự vệ, đã kéo đến phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Ngày 11.7.1945, tự vệ làng Kim Sơn bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí và cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch. Sáng sớm ngày 12.7, Việt Minh cùng Nhân dân nhiều xã trong huyện Kiến Thụy đồng loạt tiến về làng Kim Sơn tổ chức mít tinh, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng. Uỷ ban Dân tộc giải phóng được ra mắt ngay tại đình Kim Sơn dưới sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng.
Tại Đình Kim Sơn, chính quyền cách mạng đầu tiên của vùng duyên hải Bắc Bộ được thành lập. Sự ra đời của Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn đã khiến quân Nhật và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Ngày 4.8.1945, chúng huy động lực lượng với đầy đủ vũ khí về đàn áp phong trào cách mạng. Không hề nao núng, các đội tự vệ ở Tú Đôi, Đoàn Xá, Lão Phong (huyện Kiến Thuy), tự vệ huyện Tiên Lãng đã phối hợp cùng nhau đánh địch. Cuộc chống càn thắng lợi càng củng cố niềm tin và thôi thúc Nhân dân các vùng lân cận ráo riết chuẩn bị chờ thời cơ chín muồi để khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tiếng trống trận Kim Sơn, ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, đêm 14, rạng 15.8, Kiến Thụy là huyện đầu tiên giành được chính quyền ở tỉnh Kiến An.
Tin Việt Minh cướp chính quyền thắng lợi ở huyện Kiến Thụy nhanh chóng lan đi khắp vùng, làm nức lòng Nhân dân trong toàn Kiến An - Hải Phòng. Trong khí thế cách mạng, các huyện An Lão (17.8), Vĩnh Bảo (20.8), Tiên Lãng (20.8), Thủy Nguyên (22.8) quần chúng nhân dân nhanh chóng đứng lên giành chính quyền. Chỉ trong vòng 10 ngày, tất cả các huyện, kể cả các huyện đảo xa xôi đều thiết lập được chính quyền cách mạng. Từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở làng Kim Sơn, phong trào cách mạng đã nhanh chóng lan ra rộng khắp các địa phương của Kiến An - Hải Phòng, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa.

Hành trang quý trên con đường dựng xây
Câu chuyện của cụ Đặng Nam càng thêm sống động khi nhắc đến những đổi thay của quê hương Tân Trào nói riêng, Kiến Thụy nói chung. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, truyền thống quật cường của quê hương luôn là niềm tự hào và là hành trang quý giá đối với lớp lớp cán bộ, đảng viên, Nhân dân nơi đây. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân Kiến Thụy đã và đang phát huy truyền thống, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân đạt 13,02%, cao hơn 4,02% so với giai đoạn 2010 - 2015. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế được triển khai theo đúng định hướng, có hiệu quả, tỷ trọng GDP nhóm ngành thương mại, du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Toàn huyện đã hình thành 64 vùng sản xuất tập trung, trong đó, đã có một số trang trại, khu vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao, thân thiện môi trường. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực. Toàn bộ số xã và huyện Kiến Thụy đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào các năm 2019 và 2020...
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành đánh giá: Trong thành tích chung của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố có những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Kiến Thụy. Dấu ấn nổi bật, khác biệt, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo “vì việc chọn người” được coi là yếu tố quan trọng để Đảng bộ huyện Kiến Thụy có nhiều đổi mới rõ nét, bứt phá toàn diện. Kiến Thụy cũng là địa phương đi đầu của thành phố Hải Phòng về thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) bảo đảm nghiêm túc, sát thực tiễn, rõ những nhiệm vụ làm ngay và các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình.
Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Xuân Trịnh chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ huyện thống nhất, đoàn kết lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ mới; phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối huyện Kiến Thụy với thành phố và các tỉnh ven biển phía Bắc; xây dựng và phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu.
Cùng đó, Đảng bộ huyện cũng xác định khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, hướng đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; tăng cường công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở thực sự tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động...
Đời sống người dân bước sang trang mới, "bức tranh" nông thôn mới hiện hữu trên những xóm làng trù mật. Nhớ về những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện càng thêm biết ơn và trân trọng những thành quả mà các thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng máu xương cho độc lập, tự do. Kiến Thụy hôm nay vẫn đang vươn lên từ truyền thống kiên cường, bất khuất để viết lên thêm nhiều kỳ tích mới.