Đây là thông tin được nêu ra tại tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020 - 2022 tại các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương, diễn ra mới đây.
Theo Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc, đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ mặc dù được bố trí tăng hằng năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng quy định đạt tối thiểu 2% tổng dự toán chi hằng năm.
Riêng năm 2022, khoản chi cho khoa học công nghệ từ ngân sách trung ương dự kiến là 9.140 tỷ đồng, vượt qua ngưỡng 1% tổng chi ngân sách trung ương (lớn hơn mức 7.732 tỷ đồng của năm 2021). Dù vậy, mức chi này vẫn chưa đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cũng theo kết quả kiểm toán, các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đầy đủ và đồng bộ nhằm tạo động lực khuyến khích phát triển thị trường khoa học công nghệ. Chẳng hạn, chưa có cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức nghiên cứu công sở hữu các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; chưa có quy định về đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…
Tại các địa phương, trong giai đoạn 2020 - 2022, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực cho nhiệm vụ khoa học công nghệ không thực sự hiệu quả. Công tác lập, phê duyệt nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa có nguồn vốn bố trí; nguồn kinh phí phân bổ cho lập đề tài giải ngân chậm hoặc không hết do vướng mắc trong công tác lập, thẩm định nhiệm vụ, dự toán đề tài khoa học công nghệ…
Từ kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước để nghị các đơn vị chủ quản cần kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ; chấm dứt việc phân bổ, giao dự toán, sử dụng kinh phí nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để triển khai thực hiện các dự án tăng cường năng lực, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ không đúng chế độ quy định; rà soát, kiểm tra và tổng hợp số kinh phí sử dụng không đúng quy định để báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét, quyết định.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính sửa đổi văn bản về các quy định cơ chế khoán chi, như Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN về cơ chế khoán chi, kiểm soát chi trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước tập trung vào một số nội dung: quy định liên quan đến xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước chưa đủ điều kiện ghi nhận là tài sản cố định; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao không bồi hoàn tài sản trang bị thuộc nhiệm vụ khoa học công nghệ được ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn…