Chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV:

Không thể đốt cháy giai đoạn, phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng

"Không thể đốt cháy giai đoạn và phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng", nhấn mạnh nguyên tắc này tại Phiên họp chiều 15.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời yêu cầu các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội phải rút kinh nghiệm khi một số nội dung lớn có khả năng không thể chuẩn bị kịp để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Tư tới. 

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Mười lăm, chiều nay, 15.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khoá XV. 

Không thể đốt cháy giai đoạn và phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bố trí nhiều thời gian thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp là 23,5 ngày. Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20.10, dự kiến bế mạc vào sáng 19.11 và dự phòng chiều 19.11.2022.

Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tiếp. Quốc hội sẽ làm việc ngày thứ Bảy tuần đầu tiên và tuần cuối cùng để kết thúc kỳ họp sớm hơn, dành thời gian cho hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các Kỳ họp trước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Trong đó, sẽ bố trí thảo luận tại tổ 0,5 ngày và tại hội trường 1 ngày đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tiếp tục bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận ở hội trường về một số dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua (như dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội các dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi),…

Về dự kiến nội dung của Kỳ họp thứ Tư, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình của Kỳ họp một số nội dung mới để Quốc hội xem xét, quyết định gồm: dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

“Hiện nay, Chính phủ đã gửi Tờ trình số 285/TT-CP ngày 22.8.2022 đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Ủy ban Pháp luật đang chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban liên quan để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tới”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất bổ sung vào chương trình Kỳ họp một số nội dung khác như: dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Nâng cao hơn nữa chất lượng chuẩn bị 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Không thể đốt cháy giai đoạn và phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng -0
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ngay sau Kỳ họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo... bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, mới có 8 dự án, dự thảo, 1 nội dung giám sát chuyên đề và các báo cáo về công tác tư pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, dự thảo nghị quyết còn lại và tiếp tục cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri… sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10.2022.

Thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội đã tăng cường chỉ đạo, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan, tích cực triển khai rà soát, hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng chuẩn bị Kỳ họp. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng việc tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường; công tác tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, đặc biệt là các dự án luật khó, có sự quan tâm của cử tri và Nhân dân; phối hợp, chuẩn bị kỹ công tác về thông tin, tài liệu, các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là hệ thống kỹ thuật, âm thanh, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh, ăn, ở, đi lại của đại biểu và các công tác bảo đảm khác...

Chậm gửi hồ sơ thì không đưa vào chương trình nữa

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, theo quy định tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV (Nghị quyết số 30/QH15), Chính phủ được thực hiện các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 cho đến hết ngày 31.12.2022 và báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Do vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 bắt buộc phải báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, không thể lùi được. Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Pháp luật mới nhận được văn bản giao phối hợp cùng Ủy ban Xã hội để thẩm tra mà chưa nhận được hồ sơ nội dung này. 

Liên quan đến việc tổng kết Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự kiến, Ủy ban Xã hội sẽ thẩm tra tại Phiên họp toàn thể vào cuối tháng 9 tới. Vừa qua, Ủy ban Xã hội đã chủ động tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 30 và các biện pháp cấp bách liên quan đến phòng, chống Covid – 19 thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu không kịp chuẩn bị trình nội dung này ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới, các cơ quan chuyên môn muốn kéo dài thời gian thực hiện, thì bắt buộc phải được đưa vào một văn bản quy phạm pháp luật được thông qua ở Quốc hội. “Chúng ta phải tính đến các thủ tục, quy trình tiếp theo, sau khi trình báo cáo có cần thảo luận về những vấn đề này không. Nếu như cần phải đưa vào nghị quyết của Quốc hội thì lại phát sinh thêm thủ tục, quy trình, hiện nay chưa tính đến trong dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.

Tại Phiên họp, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu thực tế tài liệu gửi quá chậm khiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rất bị động trong thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tư, trong ngày khai mạc Kỳ họp sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, nhưng đến nay chưa có hồ sơ. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, hiện Ủy ban Kinh tế chưa nhận hồ sơ Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Với nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dù đây là một nội dung rất quan trọng và khó, nhưng đến nay cũng chưa có hồ sơ, khó có đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra bảo đảm chất lượng. “Nội dung này rất lớn, các cơ quan cũng phải tham khảo ý kiến chuyên gia, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để lắng nghe ý kiến, không nên vội vàng. Chính phủ cần báo cáo thêm tiến độ chuẩn bị việc này như thế nào, liệu có đáp ứng được yêu cầu chất lượng để có thể đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Tư hay không”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Không thể đốt cháy giai đoạn và phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng -0
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhận thấy, tại Kỳ họp thứ Tư tới đây cần bắt đầu áp dụng nguyên tắc những nội dung chậm gửi tài liệu, không bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra, tham vấn ý kiến thì không đưa vào chương trình Kỳ họp nữa. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn chỉ rõ, cho đến nay, một số nội dung lớn khả năng không thể chuẩn bị kịp để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới gồm: việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 30/QH15 của Quốc hội; tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/QH14 và đề xuất cơ chế, chính sách mới; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và một số quy hoạch quốc gia quan trọng khác… Bởi, việc thẩm tra các nội dung nêu trên phải thực hiện theo quy trình, thủ tục chặt chẽ được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, không thể đốt cháy giai đoạn và phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội phải rút kinh nghiệm. Trong thời gian tới, các Ủy ban của Quốc hội cần chú ý có văn bản đôn đốc để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ sớm, từ xa.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần cân đối các nội dung của chương trình Kỳ họp thứ Tư theo hướng những nội dung phức tạp, còn có ý kiến khác nhau sẽ được bố trí thời gian nhiều hơn; những dự án luật, những nội dung mà quá trình chuẩn bị rất công phu, đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhận được sự đồng thuận cao thì có thể bố trí thời gian ngắn hơn nếu không phát sinh vấn đề mới. Đồng thời, bố trí thời gian đủ để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, giải trình với các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia
Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia

Trưa 23.11 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia lên đường về nước kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 - 23.11.2024, theo lời mời của Thủ tướng Malaysia Dato’ Seri Anwar Ibrahim và Phu nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur
Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Ngày 23.11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam - Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á. Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân chuyến thăm chính thức Malaysia.

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Cộng hòa Dominicana
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Cộng hòa Dominicana

Rạng sáng 23.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và làm việc tại Brazil, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Sự kiện nổi bật

Phát huy sức mạnh chung thông qua Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, hiện thực hóa mục tiêu chung vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển

Lời Tòa soạn: Sáng nay, 22.11, tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và có bài phát biểu quan trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của ICAPP trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á
Sự kiện nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Sáng nay, 22.11, Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của ICAPP trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo
Sự kiện nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tôn tạo Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Santo Domingo

Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominicana, sáng 21.11, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam dự lễ khánh thành tôn tạo và đặt vòng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Santo Dominigo.