
Những tác phẩm trang trí món ăn hấp dẫn người thưởng thức ngay từ cái nhìn đầu tiên. Để có được ấn tượng đẹp như vậy, ngoài yêu cầu về kỹ thuật nấu nướng đảm bảo chất lượng, ngon miệng, còn đòi hỏi người sáng tác có óc tưởng tượng phong phú, có kiến thức về mỹ thuật giống như một nhà điêu khắc hay nghệ sỹ theo trường phái sắp đặt. Họ có thể tạo ra những bức tranh muôn màu hay các công trình kiến trúc thu nhỏ trong lòng đĩa làm món ăn hấp dẫn hơn rất nhiều.
Nhìn từ góc độ điêu khắc, ban đầu, các loại củ quả như su hào, cà chua và đu đủ xanh được dùng là nguyên liệu chính để tạo hình các loại hoa lá để trang trí món ăn. Tuy nhiên, ngày nay, hầu hết các loại củ quả đều được sử dụng để chạm trổ những đối tượng phức tạp hơn như hoa hồng, cúc, con thú ngộ nghĩnh, con rồng uốn lượn, Khuê Văn Các, Tháp Eiffel..., thậm chí cả hình tượng con người với độ công phu, tỉ mỉ và chính xác đến kinh ngạc. Những tác phẩm điêu khắc trang trí cho món ăn có thể được làm từ một loại củ quả, hoặc là sự kết hợp giữa nhiều loại củ quả khác nhau. Còn dưới con mắt của nghệ sỹ sắp đặt, khay thức ăn được bố trí như một bức tranh nhiều màu sắc, có bố cục và nội dung cụ thể. Rau củ quả, nấm, thịt động vật… được bố trí hài hòa, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc, trung thực và sống động. Chẳng hạn, món cá hồi nổi tiếng của người dân Nhật Bản thể hiện màu cam tươi xen kẽ với màu trắng thanh tao của từng thớ thịt cá, màu xanh lục của mù tạt, kèm rau, màu vàng ươm sắc của chanh… được trình bày hết sức ngon mắt.

Trước khi bắt tay vào sáng tạo nghệ thuật trang trí các món ăn, người làm bếp phải xác định ý tưởng trình bày, sao cho phù hợp với món ăn và chọn các loại hộp và đĩa đựng. Có thể nói, việc chọn lựa đĩa và hộp đựng góp phần không nhỏ vào thành công của món ăn. Mỗi loại đĩa, mỗi loại thực phẩm có một cách trình bày riêng, tùy từng kiểu đĩa mà bạn trang trí sao cho phù hợp. Ví dụ: đĩa bầu dục dùng cho các món ăn chế biến từ cá và trang trí vòng quanh đĩa; đĩa tròn thích hợp cho các món xào và trang trí tại một góc nhất định... Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, người “nghệ sỹ” có thể biến tấu theo ý thích của mình.

Bên cạnh việc lựa chọn dụng cụ đựng thức ăn cho phù hợp, người đầu bếp phải biết kết hợp màu sắc, tạo hình dáng làm nổi bật món ăn mà không mất đi hương vị của nó. Về cơ bản, các đầu bếp chuyên nghiệp cũng như những người nội trợ đều sử dụng các loại gia vị có trong món ăn để chế biến. Chẳng hạn, món cơm sen nổi tiếng của Việt Nam, gồm gạo tám thơm, hạt sen, hoa sen và lá sen được trình bày như một đóa sen mới nở ngát hương. Hay món sườn cừu nướng của Ý được trang trí bằng những chú cừu làm từ súp lơ trắng.

Đã từ lâu, món ăn không chỉ là nhu cầu thiết yếu của con người nhằm duy trì sự tồn tại hàng ngày, mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần không thể thiếu với đời sống con người... Dẫu rằng khi món ăn được dùng xong sẽ không còn nữa, nhưng cũng giống như một bản nhạc hay, hình ảnh ấn tượng và dư vị của nó mãi còn đọng lại.