
Vật liệu để làm Nakshi Kantha truyền thống là quần áo bông cũ, chủ yếu tận dụng từ những chiếc sari, xà rông hay khố không còn sử dụng. Phụ thuộc vào độ dày bắt buộc, 3 đến 7 chiếc sari sẽ được xếp thành từng lớp và được khâu trần bằng những đường chỉ chạy đơn giản. Chỉ được rút ra từ những chiếc sari màu sắc sẽ được sử dụng để khâu ren hoặc thêu. Tuy nhiên đó là cách làm của thời xưa, ngày nay những chất liệu cũ kỹ trên đã được thay thế bằng những mảnh vải bông và cuộn chỉ thêu mới tinh.

Thuật ngữ Nakshi Kantha rất thịnh hành ở Bangladesh, thậm chí nó còn được tìm thấy trong văn học thời trung cổ. Cái tên Nakshi kantha trở nên đặc biệt thông dụng giữa những người hay chữ sau khi bài thơ Naskhi Kanthar Math (Mảnh chăn thêu) của thi sỹ Jasimuddin được xuất bản năm 1929. Từ thời đó, người phụ nữ Bangladesh đã có thói quen tái sử dụng những chiếc sari cũ bằng cách biến chúng thành những đồ vật hữu dụng như chăn, túi, bìa sách hay hộp gương…

Cả phụ nữ Hindu lẫn Hồi giáo đều rất thông thạo cách làm Nakshi Kantha. Những chiếc chăn này được khâu tranh thủ trong thời gian rỗi, đặc biệt là vào mùa mưa hay trước khi mùa đông giá lạnh xâm nhập vào các ngôi làng của khu vực châu thổ sông Hằng.
Tùy thuộc vào kích cỡ và cách sử dụng, Nakshi Kantha bao gồm rất nhiều loại khác nhau, từ lep kanthas (chăn mùa đông), gối, ga trải giường đến những chiếc khăn tay. Một số khác được sử dụng như là khăn trải ghế, khăn trải bàn ăn, tấm phủ những đồ vật có giá trị, thảm quỳ để cầu nguyện hay còn làm tã quấn cho trẻ sơ sinh…

Các mẫu thêu sáng tạo của Nakshi Kantha thường mô tả lễ hội của người Hindu, câu chuyện dân gian, nghi lễ cưới xin, hoa sen, dấu chân Phật hay các loài vật như cá, rắn, voi, ngựa, các loại hoa, hoặc hình những con thuyền, bánh xe, chiếc ô, xe bò…Phụ nữ Hồi giáo đặc biệt tập trung vào các mô típ hình học, hoa lá, trăng lưỡi liềm, sao, tháp trong giáo đường Hồi giáo và cả những đoạn thơ trong kinh Koran ...
Nhiều bà mẹ đang mang thai dành ra 3 tháng trong thai kỳ của mình để khâu những chiếc chăn thêu Nakshi Kantha cho đứa con sắp ra đời với niềm tin rằng khi đứa trẻ được quấn trong những chiếc chăn này, may mắn sẽ đến với gia đình và bảo vệ đứa trẻ khỏi bệnh tật.

Nếu được làm theo cách truyền thống, sẽ chẳng ai có thể tìm được 2 chiếc Nakshi Kanthas giống hệt nhau, tuy nhiên ngày nay, nó đã được sản xuất thương mại. Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng, kể từ khi Bangladesh giành độc lập vào năm 1971, Nakshi Kanthas đã lấy lại được sức hấp dẫn lâu đời và trở thành một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Du khách tới nước này không thể quên mua Nakshi Kanthas cho người thân bởi nó sẽ mang lại niềm vui và may mắn cho người sử dụng.