Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về công tác lập pháp, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 7 dự án Luật và 3 dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trong đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 8. Do đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và cùng Chính phủ tiếp tục rà soát các vấn đề quan trọng, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Để có thể quán triệt, cụ thể hóa một cách đầy đủ nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Nghị quyết số Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bố trí thêm trong Phiên họp tháng này, cho ý kiến một lần nữa để chuẩn bị dự thảo Luật tốt nhất trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.
Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến tại phiên họp trước. Đây là dự án Luật cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là một trụ cột của an sinh xã hội và lần đầu tiên đưa ra những quan điểm, giải pháp lớn để thực hiện Nghị quyết số 28. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến một lần nữa đối với dự án Luật tại phiên họp tháng 9 này, hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội dự án Luật tốt nhất. Điều này thể hiện sự trách nhiệm không chỉ của Ủy ban Xã hội mà còn của Đảng đoàn Quốc hội đối với vấn đề hết sức quan trọng này.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là các dự án Luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và là lần đầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Với tinh thần “cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước”, sẽ xem xét dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tương tự như những chính sách đặc thù đã trình Quốc hội xem xét quyết định để ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. “Dự án Luật sẽ là bước đột phá để tạo ra những thể chế, khung khổ cho quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô theo tinh thần số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong các dự án Luật này có một số dự án Luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, do đó cũng đã được hoàn thiện cơ bản đáp ứng yêu cầu để trình Quốc hội xem xét. Với tinh thần trách nhiệm cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cho ý kiến đối với những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, nhất là những dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới.
Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị quyết thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trước hết là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Gắn liền với đó là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó là dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này để trình Quốc hội xem xét có cho phép sửa đổi, bổ sung hay không và sửa đổi, bổ sung những nội dung gì để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án trọng điểm quốc gia này.
Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tập trung vào những nội dung chính của Báo cáo, để có được dự thảo Nghị quyết cuối cùng trình Quốc hội với những giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá, hỗ trợ và đồng hành quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng này; chỉ rõ việc làm cụ thể, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan có liên quan và thời hạn thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo của các cơ quan về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023. Đồng thời, cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước.
Cùng đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8.2023 và cho ý kiến về nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ Sáu.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của nhà nước, và nhiều hoạt động khác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Quốc hội cũng chủ trì Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023… do đó, chương trình phiên họp của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm linh hoạt để bảo đảm hoàn thành công việc.
Nhấn mạnh khối lượng công việc rất nhiều và phải hết sức khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí họp đầy đủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu tài liệu, “làm hết việc chứ không làm hết giờ”.