Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quốc Chỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị; các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Tích cực, trách nhiệm đóng góp ý kiến
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quốc Chỉnh cho biết: Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung rất quan trọng. Trong đó, HĐND tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh; nghe thông báo kết quả Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV của Đoàn ĐBQH tỉnh; báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số báo cáo khác theo quy định. Bên cạnh đó, xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện của người trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh; kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh.
Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận thông qua các nghị quyết thuộc các lĩnh vực: đầu tư công; tài chính; tài nguyên và môi trường; xây dựng; an ninh; nội vụ; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, có các Đề án có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự và chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện quy trình về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh…
Tổng sản phẩm GRDP tăng 8,56%, đứng thứ 11 toàn quốc
Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh duy trì ổn định và có bước phát triển so với cùng kỳ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong đó, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 8,56% (đứng thứ 11 toàn quốc); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,29%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 13,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8%; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 831 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu cụm công nghiệp. Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận và bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Đến nay đã có 197/204 (96,6%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023…
Quyết tâm thực hiện hiệu quả, thực chất
Bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sự hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn hạn chế; giá trị hàng xuất khẩu, thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đạt thấp. Tiến độ triển khai công tác GPMB, tiến độ thi công một số dự án còn chậm, như dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường ven biển; các dự án khu dân cư tập trung, các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng… Việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06 tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đạt thấp như: Sở Y tế (75,51%), Sở Tài nguyên và Môi trường (77,03%), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (79,56%), huyện Nghĩa Hưng (77,60%), huyện Hải Hậu (84,67%), huyện Xuân Trường (84,67%),…
Để đạt được các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Ngoài ra, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tỉnh sẽ phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư…
“Tăng tốc, bứt phá” hoàn thành các mục tiêu đề ra
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho rằng: 2024 là năm “tăng tốc, bứt phá” thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh cần tập trung triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14.6.2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, gắn với thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025.
Cùng với đó, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua. Nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng GRDP và thu ngân sách Nhà nước, tạo bứt phá để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Mặt khác, cần bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới xây dựng nông thôn Nam Định hiện đại, văn minh, “nơi đáng sống”...
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp sẽ là căn cứ, cơ sở góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Do vậy đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ tài liệu, tập trung thảo luận, nhất là về cơ sở pháp lý, đánh giá toàn diện tác động của chính sách và tính thực tiễn, đồng bộ, thống nhất để quyết định tạo thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các đại biểu HĐND tỉnh, kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 HĐND tỉnh Khóa XIX sẽ thành công tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Bí thư Tỉnh ủy cũng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm, nói đi đôi với làm để xây dựng quê hương Nam Định ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, là đồng thuận, ủng hộ các dự án trọng điểm của tỉnh để tăng nhanh quy mô nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm ổn định để phát triển và phát triển nhanh hơn để Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.