Xem - Nghe - Đọc

Huyền thoại

Gần 20 năm sau ngày ngôi sao điện ảnh và ca nhạc Hong Kong Trương Quốc Vinh ra đi vào một ngày đầu tháng 4, người ta sẽ vẫn còn không ngừng nhắc nhớ tới anh như một Huyền thoại.

 Nhờ được dịch cuốn “The cinema of Wong Kar Wai”, tôi mới biết thêm những câu chuyện hoàn toàn mới lạ về Trương Quốc Vinh. Xin được trích một đoạn ngắn mà Vương Gia Vệ nói về anh: 

 "Điều làm tôi ấn tượng nhất là khi mới gặp nhau lần đầu, là anh ấy đã luôn tự xem mình là HUYỀN THOẠI. "Gia Vệ!", anh nói, "anh có nghĩ tôi là một huyền thoại không?". Đầu tiên tôi ngỡ anh ấy đùa, nhưng về sau tôi nhận ra anh ấy có ý ấy thật. Anh cứ chỉnh: “Đừng gọi tôi là Vinh, hãy gọi tôi là Huyền Thoại”. (cười lớn). Và anh ấy gần như ám ảnh với điều đó. "Tôi sẽ trở thành Một Huyền Thoại", anh cứ nói thế. “Tôi phải trở thành Một Huyền Thoại”. Tôi không ngờ anh ấy đi xa đến độ hy sinh luôn mạng sống của mình.

Thần tượng lớn nhất cuộc đời Trương Quốc Vinh là nữ danh ca kiêm minh tinh người Nhật, Momoe Yamaguchi. Đó là một thần tượng tuổi teen, nổi tiếng với những bộ phim tình cảm lãng mạn. Rồi ở đỉnh cao sự nghiệp, cô thành hôn, giải nghệ và không bao giờ trở lại với nghệ thuật nữa, thậm chí cô còn không xuất hiện trước công chúng. Cô chọn sống đời nội trợ và coi sóc gia đình mình. Đó chính là định nghĩa của Trương Quốc Vinh về một huyền thoại. Anh không muốn khán giả thấy mình già đi, xấu đi, dở đi. Anh muốn mọi người mãi mãi nhớ về mình với những hình ảnh và thanh âm đẹp nhất.

Để lý giải cho ước muốn này, ta cần quay lại giai đoạn khởi đầu sự nghiệp của anh. Ở đó, ta thấy một thanh niên đầy hoài bão, khát vọng bị khước từ và chối bỏ. Chính sự từ khước của công chúng đã làm nên tổn thương tâm lý mãi đeo bám Trương Quốc Vinh suốt mấy chục năm sau đó. Vốn là một người yêu ca hát, Trương Quốc Vinh rất hay tham gia các cuộc thi âm nhạc khi còn trẻ. Và thường là thất bại. Khán giả không thích hình ảnh kiêu ngạo của anh trên sân khấu. Một lần biểu diễn, anh xuất hiện với một chiếc mũ. Trong lúc hát, anh cao hứng ném mũ về khán giả. Không ngờ họ ném ngược cái mũ trở lại sân khấu. Anh mãi mãi không bao giờ quên hình ảnh ấy. Nó là một vết thương rất sâu, nói theo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn là một vết thương tỉnh thức, cứ trở đi trở lại, kể cả khi anh “tưởng rằng đã quên”. 

Biến cố ấy làm anh ám ảnh mãi về việc mình không được đón nhận, không được yêu mến, luôn đẩy anh vào trạng thái tự ti và bất an kể cả sau khi sự nghiệp của anh cất cánh với "Anh hùng bản sắc", kể cả khi anh đã trở thành ngôi sao giải trí hàng đầu châu Á với lịch diễn dày đặc. Anh lao vào công việc, anh nhận phim điên cuồng, anh đi show không biết mệt mỏi, anh lấy lòng và yêu thương tất cả mọi đồng nghiệp… Tất cả chỉ vì để quên đi cái vết thương bị từ khước thuở còn lập danh.

Vương Gia Vệ là một trong những người giúp Trương Quốc Vinh vượt qua nỗi ám ảnh ấy trong một giai đoạn. Trên trường quay "A Phi Chính Truyện", thấy tay của Vinh run rẩy cực độ trong một cảnh quay, ông kéo anh ra và nói: “Đối với tôi, cậu là ngôi sao. Một ngôi sao sẽ rất khác với diễn viên. Ngôi sao có nghĩa là "Tôi không quan tâm, nhưng một khi tôi đã bước vào khuôn hình, tôi cần mọi sự chú ý. Tôi là trung tâm của thế giới". Cậu chưa cho tôi thấy điều đó, nhưng tôi biết cậu hướng tới điều đó và cậu tin mình sẽ đạt được điều đó. Nên từ bây giờ, bất cứ khi nào cậu bước vào khuôn hình, cậu phải cho tôi thấy cảm giác cậu tin mình là ngôi sao của đêm diễn”.

Trương Quốc Vinh nói: “Tôi đã hiểu”.

"A Phi Chính Truyện" sau đó… thất bại thê thảm ở phòng vé. Vương Gia Vệ rơi vào cơn khủng hoảng lớn nhất trong đời mình. Nhưng diễn xuất của Trương Quốc Vinh thì được nâng lên một tầm cao mới. Ba năm sau "A Phi Chính Truyện", Trương Quốc Vinh vươn đến đỉnh cao của nghiệp diễn với "Bá Vương Biệt Cơ". Và anh luôn tri ân Vương Gia Vệ trong những lần nhận giải thưởng dù "Bá Vương Biệt Cơ" là phim của… Trần Khải Ca. 

Vai diễn Trình Điệp Y trong "Bá Vương Biệt Cơ" hoặc vai anh chàng tay chơi trong "A Phi Chính Truyện" chính là những hình ảnh phản chiếu của Trương Quốc Vinh ngoài đời: đều là những nhân vật có nội tâm yếu đuối, có quá khứ đầy tổn thương tâm lý (cả hai đều bị mẹ bỏ rơi) nên lớn lên luôn cảm thấy bất an. Vương Gia Vệ nói: “Trương Quốc Vinh không phải người có nội tâm vững vàng. Anh ấy muốn được yêu, được chú ý, anh ấy thích được khen ngợi, muốn được là trung tâm”.

Vương Gia Vệ là một người bạn lớn và trong một chừng mực nào đó là bác sĩ tâm lý cho Trương Quốc Vinh. Đó là lý do anh tiếp tục góp mặt trong hai phim khác nữa của Vương Gia Vệ là "Đông Tà Tây Độc" và "Xuân Quang Xạ Tiết", đều là những kiệt tác kinh điển.

Ba phim là ba lát cắt tâm hồn của Trương Quốc Vinh trên màn ảnh: vì ba nhân vật ấy tuy ba mà một: đều có một quá khứ đầy thương tổn, đều khao khát tình yêu thương và đầy bất an trong hiện tại, như một con chim cứ bay mãi…

Con chim ấy đã ra đi ngày 1.4.2003. Thời gian ấy, Trương Quốc Vinh đang suy sụp vì bộ phim đầu tay do anh đạo diễn không được khán giả đón nhận. Khi "A Phi Chính Truyện" bị đánh tơi tả, Vương Gia Vệ có Trương Quốc Vinh đặt tay lên vai: “Làm tiếp phim gì, cứ gọi cho tôi”. Nhưng khi Trương Quốc Vinh gặp vấn đề, bên cạnh anh không có ai.

Không một ai hiểu anh, dù anh có thể đã cố cất tiếng nói của mình, với Đường Hạc Đức qua những buổi trò chuyện thâu đêm, hay với tha nhân qua những thước phim, bài hát. Có lẽ vì anh muốn ra đi như "huyền thoại". Hoặc cũng có lẽ đoản mệnh chính là định mệnh để tạo nên huyền thoại. Khi nhìn lại những huyền thoại giải trí đã chọn kết liễu đời mình từ khi còn rất trẻ, chúng ta chợt nhận ra một sự thật phũ phàng muôn thuở:

Làm một ngôi sao vĩ đại đã khó, nhưng làm một con người hạnh phúc lại càng khó hơn. 

Vì có những vết thương đã mãi mãi trở thành những vết thương tỉnh thức, có những nỗi sợ cắt sâu hơn đao kiếm, nóng hơn diễm hỏa. Những người như Trương Quốc Vinh có thể yêu cả thế giới nhưng đã mãi mãi bất lực trong việc yêu chính bản thân mình. Lẽ ra anh phải làm một bộ phim xuyên không, quay về năm đôi mươi, lấy chiếc mũ mà khán giả ném lên sân khấu, đội lên đầu gã trai Trương Quốc Vinh năm ấy và nói với y:

- Đừng trách mình. Cậu hát hay lắm, như giọng của một con chim. Rồi cậu sẽ bay thật xa, đến những nơi mà chưa có ai từng biết trước đó. Nhưng khi mệt, đừng bay nữa, hãy nghỉ ngơi nhé!...

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.