Từ trong dáng cũ
“Nước ta nơi đâu chẳng có sự tích, nếu nhiệt tâm, gửi hồn vào thì nơi ấy thành thiêng, thành niềm tự hào, thành động lực nâng bước chúng ta đến thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới”. |
“Giao thừa Đền Đô lung linh huyền diệu/ Thái Tổ truyền cho hào khí Thăng Long… Gạch đá này khắc trời tròn đất vuông từ thuở hồng hoang vua Hùng dựng nước. Chính giữa là lư rồng, hai bên là Bát Đế đăng, tức cây đèn lịch sử với 8 vị vua Lý hiển linh chứng giám cho tấm lòng thành của khách thập phương. Khói hương bay lên là sợi dây nối các dòng trí tuệ từ xưa đến giờ, cho ta tiếp nhận linh khí của trời đất…”. Giảng giải đến đâu, ông Nguyễn Đức Thìn, Trưởng ban Tuyên truyền Khu di tích lịch sử Đền Đô thong thả bước trên từng ô gạch trên sân trước nhà Tiền Tế làm cử chỉ minh họa. Theo từng lời kể, câu thơ của ông, chuyện về các đời vua Lý, về ý nghĩa trong hệ tâm linh người Việt cứ thế thấm đầy trầm tích, bay bổng, ngâm vang.
Chỉ vào lớp ngói, kiệu thờ, cột gỗ, lan can đá, thủy đình… ông Thìn bảo: Kiến trúc ngôi đền đẹp nhưng tuyệt vời nhất là kiến trúc của tình người. Ngược thời gian về trước, Nguyễn Đức Thìn còn là một cậu bé được cha dẫn đi lễ đền, hôm ấy là mồng 8.8 năm Ất Dậu (13.9.1945) - ngày Bác Hồ về thăm Đền Đô lần đầu tiên vào lễ giỗ vua Lý Thánh Tông. Ký ức lúc đó không rõ ràng nhưng sau được nghe cha kể về ngày hôm ấy, ông khắc ghi ý nghĩa về nơi linh thiêng, biểu trưng cho tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Năm 1952, giặc phá Đền Đô, ngôi đền tôn nghiêm chỉ còn tấm bia ghi công của các vua triều Lý. Nguyễn Đức Thìn bấy giờ là thanh niên du kích Đình Bảng đã quyết tâm một ngày trả lại dáng cũ cho đền.
![]() Theo ông Nguyễn Đức Thìn, hướng dẫn viên là người khơi cảm hứng cho mọi người về lịch sử |
Năm 1989, ông chấp bút viết đơn xin phép, cùng với cao niên làng Đình Bảng vận động nhân dân phục dựng Đền Đô. Đơn gửi đi, đợi 6 tháng chưa thấy phản hồi, mọi người sốt ruột bàn nhau mạnh dạn làm. “Mỗi người gom góp từ những viên gạch đầu tiên, sau được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Ngôi đền dựng lại thành công cũng là lúc tôi hoàn thành tập thơ 216 trang ứng với 216 năm vương triều Lý”.
Chắt chiu, bền bỉ
Khách đến thăm Đền Đô nhiều lần hẳn quen với dáng hình nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, đeo thẻ hướng dẫn viên trước ngực, khoác túi nhỏ đựng sổ bút, máy ảnh, máy ghi âm… Mấy chục năm qua, những vật dụng này giúp lưu lại kỷ niệm về các đoàn trong nước, ngoài nước đến thăm đền. Ông Thìn giơ bàn tay với những đốt ngón co quắp, nói: “Sau lần tai biến, chính đôi tay này vẫn hàng ngày bấm máy, chụp ảnh Đền Đô đấy”. Ông gắn bó với công việc này mấy mươi năm cũng bởi thâm tâm thôi thúc, như mối duyên nợ với đất trời thiêng liêng, với đời sống tâm linh đáng quý.
Cũng vì suy nghĩ ngoài đi lễ, thăm thú cảnh quan, khách cần hiểu về những giá trị thiêng trong việc thờ các vua Lý, ông nảy ra ý tưởng xây dựng phòng trưng bày Đền Đô truyền thống và lịch sử. Từ dạo còn là thầy giáo dạy sử, ông đã ý thức gom góp, thu thập tư liệu. Cùng quá trình thực hiện cuốn sách lịch sử làng Đình Bảng, ông sưu tầm được các bức ảnh đen trắng chụp Đền Đô trước chiến tranh, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm đền, nhiều tư liệu, hiện vật, câu chuyện xoay quanh lịch sử, ý nghĩa của ngôi đền... “Khi chuẩn bị phục dựng đền, tôi lần tìm đồng tiền Đông Dương xưa có in thủy đình để làm căn cứ xây dựng thủy đình Đền Đô. Cứ chắt chiu tư liệu, rồi một đêm thức trắng phác thảo trong đầu về phòng trưng bày, hiện vật treo trên, đặt dưới thế nào… Mơ ước vậy để Đền Đô được lưu giữ trong tranh ảnh, hiện vật và trong tâm trí”.
Nâng bước chân đời
Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng vì những lời hỏi thăm của khách tới lễ Đền Đô. Mỗi lần như vậy, ông Thìn đều nhiệt tình chỉ dẫn. Ông tâm sự, ngày qua ngày vẫn chứng tích ấy, vẫn câu chuyện ấy nhưng cứ say sưa không bao giờ biết chán, câu chuyện càng kể càng phấn chấn. Nhất là những ngày cuối năm, khi dòng người về Đền Đô đông hơn, muôn người muôn vẻ… Chi tiết ấy, người khác không nhưng hướng dẫn viên phải chú ý, qua đó biết cách khơi cảm hứng cho mọi người. Ông bảo, nói cho người nhưng trước hết là cho mình. Bên văn tự, bên võ chỉ khắc lời của tiền nhân, giải thích cho người cũng là để tự răn mình. “Tôi tâm niệm nếu được giới thiệu để hiểu biết về quá khứ lịch sử dân tộc và mỗi người tự tìm để hiểu biết quá khứ lịch sử của chính ngôi nhà mình ở, ngôi trường mình học, đơn vị mình công tác, con đường mình đi, chúng ta sẽ có bản lĩnh để sống chân chính trong hiện tại và tương lai”.
Nhìn dòng người theo chân hướng dẫn viên bước vào khuôn viên bái lễ, ông Thìn ngâm câu thơ: Đền Đô thiêng, thiên, địa, nhân vi mỹ (Đền Đô thiêng, trời, đất và con người cùng làm việc thiện)/ Người dâng hương tỏa ấm nhân tình/ Sáng hồn Việt đẹp tấm lòng nhân ái/ Uống nước nhớ nguồn không hẹn cũng lên… Ông khoe, hiện Ban Tuyên truyền Đền Đô đã đào tạo được 4 bạn trẻ làm thuyết minh, hướng dẫn. “Tôi thường nói với các cháu rằng: Ngay lúc bắt đầu phải nâng nó thành sự nghiệp cuộc đời, nếu được thế thì hãy làm hướng dẫn viên Đền Đô. Những người khác công đức tiền triệu, tiền tỷ… như chúng tôi chỉ xin góp bằng tình yêu, bằng sự hiểu biết về lịch sử”.