Hạt ngọc trời của vua Hùng
Tương truyền, từ thời xa xưa, khi chưa biết trồng cây lúa, người dân chỉ sống bằng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Một hôm, các con gái vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mỵ Nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền nói: “Hạt này chim ăn được thì người cũng ăn được”, nên sai người ra bãi tuốt lấy hạt mang về. Xuân sang, trong sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật, vua Hùng cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, người dân không biết cấy trồng nên vua Hùng đã đích thân nhổ mạ và xuống ruộng cấy cho dân xem, người dân thấy vậy cùng làm theo và từ đó biết trồng lúa nước.
Có thể nói, nghề trồng lúa nước là khởi thủy của ngành nông nghiệp nước ta và được khai sinh dưới thời Hùng Vương. Vậy nên, để mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ “ghi lòng tạc dạ” công lao to lớn của vua Hùng, truyền thuyết này liên tục lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua truyền miệng, sách, báo... Cùng với đó, những năm gần đây, Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa đã được phục dựng và diễn ra vào ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, tại phường Minh Nông, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Lễ hội phản ánh một nếp sinh hoạt tín ngưỡng thờ Vua, thờ Thần của người Việt, gợi nhớ về cội nguồn và niềm hy vọng một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Đây cũng chính là khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng hàng năm.
Không chỉ đặt nền móng cho nền văn minh lúa nước của Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử thời kỳ Nhà nước Văn Lang, giá trị của hạt gạo liên tục được vun đắp và phát triển. Hình ảnh hạt gạo và những sản phẩm được tạo ra từ gạo luôn xuất hiện trong các truyền thuyết về các đời vua Hùng sau đó, đặc biệt là Sự tích bánh chưng, bánh giày. Tương truyền, vào đời Hùng Vương thứ 6 (Hùng Huy Vương), sau khi đánh thắng giặc Ân (phương Bắc) xâm lược nước ta, vua thấy mình đã già yếu, nên muốn tìm người hiền tài thay mình trị vì đất nước. Khác với các đời vua trước, thường nhường ngôi cho người con trưởng, Hùng Huy Vương lại tổ chức một cuộc thi để chọn người tài đức. Tại cuộc thi này, Lang Liêu đã dâng lên hai thứ bánh: bánh giày tượng trưng cho trời, bánh chưng tượng trưng cho đất, cả hai thứ bánh đều được sáng tạo từ hạt gạo. Khi nếm thử, vua thấy rất ưng ý và khen rằng: “Bánh thì ngon, ý thì hay, tâm đức trong sáng”. Nhận thấy Lang Liêu là người con hiếu thảo, lại thông minh sáng tạo, biết yêu quý lao động, được thần dân quý mến nên nhà vua đã quyết định nhường ngôi báu cho Lang Liêu. Lang Liêu trở thành vua Hùng thứ 7, hiệu là Hùng Chiêu Vương. Về sau cứ đến ngày lễ tết, vua Hùng lại giao cho quần thần làm bánh chưng, bánh giày để thờ cúng các bậc tiên vương.
Như vậy, có thể thấy, việc làm ra những chiếc bánh chưng, bánh giày không chỉ thể hiện sự cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất để tạo ra lương thực nuôi sống con người, mà đó còn là sự sáng tạo, nâng tầm giá trị hạt gạo của nhân dân ta. Trải qua hàng nghìn năm, với nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, những chiếc bánh chưng, bánh giày vẫn còn giữ được dáng vẻ nguyên sơ cho đến tận bây giờ. Cứ đến ngày lễ tết, nhà nào cũng gói nấu bánh chưng, giã bánh giày làm vật phẩm kính cáo Tổ tiên. Bánh chưng, bánh giày đã trở thành món ăn quốc hồn, quốc túy của dân tộc.

Ảnh: Tường Vy
Hạt gạo làng ta, vươn ra thế giới
Tiếp nối và phát triển nền văn minh lúa nước, thông qua những chủ trương đúng đắn trong phát triển nông nghiệp nói chung, đặc biệt là ưu tiên phát triển trồng lúa nói riêng, từ một nước phải nhận viện trợ lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT), tính đến đầu năm 2022, Việt Nam đang đứng thứ 6 trong số các quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng 45 triệu tấn lúa/năm. Về xuất khẩu, hiện Việt Nam xuất 6 triệu tấn gạo/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Trong số đó, có một số sản phẩm gạo cao cấp đáng chú ý như: Nàng Thơm chợ Đào hay ST25.
Dự báo, năm 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 thì sự bứt phá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ mang lại hy vọng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo Hiệp định EVFTA, EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm, gồm 30.000 tấn gạo xát, 20.000 tấn gạo chưa xát và 30.000 tấn gạo thơm... Nếu làm tốt, có khả năng EU sẽ tăng lên từ 100 đến 200.000 tấn/năm, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ euro. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ không bị áp lực phải đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng thấp sang các thị trường truyền thống và “dễ tính” như Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Indonesia… mà có thể chuyển hướng sang xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến sâu từ gạo sang các thị trường như EU, Mỹ... Qua đó, nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo ra bước phát triển bền vững và hiệu quả cho ngành lúa gạo của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khó tính và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ chế biến, bảo quản hiện đại; cần nghiên cứu tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm ổn định hoạt động thương mại và nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo chất lượng thấp.
Thực tiễn cho thấy, dù là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam vẫn còn đi sau nhiều nước trong khu vực và trên thế giới về công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo. Điển hình như ở Thái Lan, ngoài bán gạo, họ còn bán gần 30 sản phẩm chế biến từ gạo với giá cao gấp hàng chục lần so với gạo thô, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh mới chỉ sản xuất sản phẩm bánh gạo. Như vậy, trong thời gian tới, ngành gạo Việt Nam cần chú trọng đầu tư phát triển thêm các sản phẩm chế biến sẵn từ gạo phù hợp với khẩu vị người châu Âu cũng như các sản phẩm chế biến hữu cơ, sản phẩm được chứng nhận không có chất cấm để mở rộng các phân khúc thị trường xuất khẩu mới ở khu vực Trung Đông, châu Phi còn nhiều tiềm năng.
Ý nghĩa nhân văn của hình tượng hạt gạo trong truyền thuyết và lịch sử dân tộc cùng sự phát triển của nghề trồng lúa nước đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc cho người Việt. Từ hạt gạo cần cù, thơm thảo của Hùng Vương, con cháu nước Việt cần nỗ lực sáng tạo để cho ra đời những loại gạo phong phú, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Đặc biệt, việc chế biến sâu lúa gạo phải thực sự được quan tâm để tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp, đem lại giá trị lớn về kinh tế. Nếu làm được như thế, những vụ mùa bội thu của ngành lúa gạo Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành những “mùa vàng” thực sự.