Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo Lê Quốc Minh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức giải Phạm Thái Hà; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo Nguyễn Đức Lợi chủ trì phiên họp.
Theo báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng chấm sơ khảo: trong tổng số 1.131 tác phẩm đủ điều kiện chấm giải, căn cứ vào loại hình và đăng ký của các cơ quan báo chí, Ban Thư ký đã xác định: thể loại Báo in dành cho xã luận, bình luận và chuyên luận có 41 tác phẩm; Báo in dành cho bài phản ánh, phóng sự, điều tra, ký báo chí và phỏng vấn có 389 tác phẩm; Báo điện tử có 343 tác phẩm; Phát thanh có 65 tác phẩm; Truyền hình có 222 tác phẩm; Ảnh có 71 tác phẩm. Kết quả, Hội đồng chấm sơ khảo nhất trí lựa chọn 101 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.
Theo đánh giá chung, số lượng các tác phẩm tham dự Giải rất nhiều, đầy đủ ở các loại hình báo chí, của cả cơ quan báo chí Trung ương, hội, đoàn thể và của địa phương. Đáng chú ý, ở Giải Diên Hồng có rất nhiều cơ quan báo chí địa phương gửi bài tham dự, trong số đó có nhiều tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Điều đó khẳng định công tác chỉ đạo, phát động cuộc thi đã được triển khai sâu và rộng từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời cho thấy sức hấp dẫn của Giải báo chí viết về hoạt động của Quốc hội và HĐND trong hệ thống báo chí nước nhà.
Các tác phẩm đều bám sát, phản ánh đầy đủ chủ đề, đề tài theo Thể lệ của Giải báo chí Diên Hồng lần thứ Nhất, có nội dung tốt, bám sát hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là làm nổi bật vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, HĐND các cấp và hình ảnh về các đại biểu dân cử tiêu biểu, có sức lan toả tới cộng đồng. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, bài bản cả về nội dung và hình thức thể hiện, thường bằng các tuyến bài nhiều kỳ, hình thức hiện đại như Megastory, Infographic, dữ liệu....
Tuy nhiên, công tác chấm sơ khảo cũng cho thấy, số lượng tác phẩm tham dự chỉ tập trung chủ yếu vào loại hình báo in, báo điện tử, truyền hình. Số lượng tác phẩm phát thanh, ảnh còn hạn chế, nhất là lĩnh vực ảnh báo chí. Số lượng tác phẩm dự Giải tập trung chủ yếu vào các báo Trung ương, các cơ quan báo chí của các hội, đoàn thể Trung ương và một số địa phương, chưa có sự tham gia hưởng ứng nhiều của các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ…