Trước hết, theo tôi, triết lý nói chung, triết lý giáo dục nói riêng là những điều được rút ra từ kinh nghiệm thực tế, từ trải nghiệm cuộc sống lặp đi lặp lại nhiều lần, đúc kết lại thành một mệnh đề, kết luận, gần như là quan điểm để chỉ đạo hành vi, hành động của một cá nhân hay cộng đồng. Do vậy, việc thảo luận triết lý giáo dục sẽ không chấm dứt, chỉ nên đưa ra nguyên tắc: Triết lý nào hay thì ủng hộ và coi đó là kho tàng văn hóa của chúng ta, được áp dụng phổ quát. Còn triết lý nào chưa thuyết phục vẫn cần được tôn trọng.
Còn nhớ, khi đồng chí Lê Duẩn về trường Sư phạm nói chuyện với sinh viên chúng tôi khoảng năm 1959 - 1960, có nhắc rằng trước đây, cha mẹ đưa con đến gặp thầy giáo đều tỏ ý mong muốn “xin thầy cho cháu ít chữ để làm người”. Còn Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã xác định giáo dục trong thế kỷ XXI có 4 trụ cột, gồm: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người. Rõ ràng, “học để làm người” là một mệnh đề, quan điểm hằng đúng cho đến giờ phút này.
Vậy “học để làm người” là thế nào và vì sao phải “học để làm người”?
“Học để làm người” tức là học để trở thành nhân cách. Con người mới sinh ra chưa có nhân cách cụ thể. Càng lớn, phẩm chất, năng lực mới dần được bộc lộ để tạo sự khác biệt rằng người đó là chính họ chứ không phải bản sao của người khác. Trong quá trình học, những phẩm chất, năng lực dần được định hình rõ nét. Như vậy, muốn trở thành con người, có năng lực, phẩm chất tốt đẹp thì không gì khác ngoài đi học. Một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới nói đại ý: “Cha mẹ sinh ra con, còn nền giáo dục sinh ra nhân cách”, là vì thế!
“Học để làm người” trong giai đoạn hiện nay là phải học suốt đời. UNESCO xác định xây dựng xã hội học tập là xây dựng xã hội mà ai cũng phải học và học suốt đời. Bởi trước đây, quá trình sáng tạo ra một tri thức mới diễn ra chậm chạp. Ngày nay, tri thức mới được tạo ra hàng ngày, hàng giờ, việc cập nhật tri thức do đó phải thường xuyên, liên tục. Nếu không học sẽ không thể nắm được tri thức, công nghệ mới.
|
Để học tập suốt đời, hệ thống giáo dục dân chủ, nhân văn là điều kiện cần; con người hiếu học là điều kiện đủ. Do vậy, giáo dục không phải chỉ dành cho con trẻ, mà người lớn cũng cần phải học. Lâu nay, chúng ta luôn chú trọng đến việc làm sao để con trẻ không gian lận, quay cóp trong thi cử. Nhưng việc con trẻ quay cóp trong thi cử đâu có ảnh hưởng bằng việc người lớn thấy điểm con mình thấp tìm cách để nâng điểm lên hay việc người lớn khai man bằng cấp, thành tích? Do vậy, việc học tập suốt đời còn để tu dưỡng nhân cách, mà điều này không chỉ cần cho con trẻ!
Giáo dục của chúng ta như con tàu đang ở ga nông nghiệp chuẩn bị chạy vào ga hiện đại, đó là ga kinh tế tri thức. Trong khi đó, thế giới đang leo lên những con tàu tri thức khác. Do đó, muốn “học để làm người”, chúng ta cần học nhanh hơn, mạnh hơn thì mới leo lên được con tàu chung của thế giới. Muốn vậy, cần tìm cách học thông minh hơn, phương pháp học tốt hơn, nội dung học phải là những cái cần thiết cho chúng ta chứ không phải thế giới học gì ta học nấy.
Tôi đã dự nhiều hội nghị về chương trình giáo dục mới, nghe nhiều chuyên gia so sánh ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp… học cái này cái kia rồi cho rằng chúng ta học ít quá. Theo tôi, chúng ta cần tìm cách học khác, học những gì cần cho dân tộc mình đi lên chứ không phải cần cho Mỹ hay Pháp… đi lên! Bởi cách đây khoảng 30 năm, UNESCO từng khuyến cáo về cách học rằng, học vấn cao là phải làm cho ai cũng có thể với tới được và những tri thức mới phải đến với các dân tộc để họ lựa chọn tri thức cần cho dân tộc họ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có được bản sắc riêng, nền văn minh riêng!