Khuyến nông

Hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa mô hình sinh kế

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang chú trọng đa dạng hóa các mô hình sinh kế trên cơ sở vừa phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, vừa phù hợp mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong đó, tỉnh quan tâm đến nhiều hoạt động khuyến nông như tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao khoa học - công nghệ thâm canh, trợ giúp vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi…

Hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2023, Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn như vùng ven biển, các cù lao nhiễm mặn trên sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười...

Chăn nuôi bò sinh sản giúp giảm nghèo bền vững. Ảnh: ITN
Chăn nuôi bò sinh sản giúp giảm nghèo bền vững. Nguồn: ITN

Nhiều mô hình khuyến nông giảm nghèo nông thôn được chú trọng xây dựng và nhân rộng những như: trợ vốn hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò giảm nghèo tại các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông hoặc vùng kiểm soát lũ phía Tây; mở ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười… 

Song song đó, địa phương phát huy vai trò các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở rộng ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực. Qua đó, thiết thực giúp lao động nghèo có thu nhập ổn định, tạo tiền đề vượt khó, thoát nghèo và vươn lên tạo dựng cơ nghiệp.

Tiền Giang cũng phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hữu quan xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả quy mô nông hộ như: VAC (vườn - ao - chuồng), VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng), hoặc liên kết sản xuất giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân hưởng lợi, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Thành công từ chăn nuôi bò sinh sản và kinh tế vườn

Nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Tây chú trọng triển khai các chương trình khuyến nông, hỗ trợ sinh kế hộ nghèo phù hợp với đặc thù địa phương mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Hiện nay, huyện có trên 30.000 con bò. Đây là vật nuôi chủ lực giúp cho các hộ dân nông thôn tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp. 

Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thanh Bình cho biết, năm 2023, huyện đã triển khai dự án chăn nuôi bò giảm nghèo tại 6 xã: Đồng Thạnh, Bình Nhì, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Yên Luông và Thạnh Trị. 32 hộ nghèo được hưởng lợi với mức hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò cái sinh sản trị giá 18 triệu đồng.

Được nhận hỗ trợ từ dự án, chị Châu Thị Mai (ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây) phấn khởi chia sẻ, gia đình chị nghèo, không có đất canh tác phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Với con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, chị sẽ có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con để ổn định cuộc sống gia đình.

Thực hiện “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, huyện Cai Lậy giải ngân 10 dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi lợn sinh sản, nuôi bò sinh sản, nuôi dê thịt, cải tạo và chăm sóc vườn cây ăn quả, tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng.

Xã Phú An hỗ trợ bò cái sinh sản cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo từ “Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Dự án thực hiện trong 3 năm với kinh phí 394 triệu đồng (ngân sách hỗ trợ 60%, còn lại các hộ tham gia đối ứng). Quá trình thực hiện, hộ nuôi được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chọn con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch, phối giống...

Anh Trần Thanh Tú (hộ cận nghèo ở ấp 1, xã Phú An) cho biết, “vợ chồng tôi không có đất canh tác, phải làm thuê, nên thu nhập bấp bênh. Được hỗ trợ con giống từ dự án chăn nuôi bò sinh sản, tôi làm chuồng nuôi, tận dụng nguồn cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho bò. Mô hình khá phù hợp với điều kiện của gia đình, cũng là hướng đi mới để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học".

Những năm qua, xã Phú An còn tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp với thế mạnh kinh tế vườn. Toàn xã có 1.320ha đất sản xuất nông nghiệp đã được cải tạo thành vườn chuyên canh và xen canh các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, mít Thái, sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 27.000 tấn. Ban lãnh đạo 6 ấp và các đoàn thể đã tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng các loại cây trồng phù hợp, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, khuyến khích nông dân trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả… Thu nhập bình quân của xã hiện đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm.

Hơn 10 năm chuyển đổi diện tích vườn tạp sang chuyên canh sầu riêng, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong chuyển giao kỹ thuật, giống cây, gia đình ông Trần Văn Lược (ấp 1, xã Phú An) đã có nguồn thu nhập ổn định. Ông Lược cho biết, “gia đình tôi hiện canh tác 2ha vườn chuyên canh sầu riêng Ri6 và Monthong. Thời gian đầu chuyển đổi, bản thân tôi vừa học hỏi những nhà vườn đi trước, vừa tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch hại và xử lý mùa vụ. Bây giờ thì mọi việc đã dần đi vào ổn định”.