141.016 triệu đồng cho mục tiêu giảm nghèo
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hậu Giang cho biết, hoạt động giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm 2004, toàn tỉnh còn 6.375 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 24%, thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 3,46%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh còn 3,1%.

Giai đoạn 2022 - 2025, việc nâng chuẩn nghèo sẽ làm tăng số hộ nghèo, cũng như tỷ lệ hộ nghèo lên cao hơn. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 1%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm. Tới năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu trên, cuối năm 2022, Hậu Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn 141.016 triệu đồng.
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, dù quyết tâm huy động mọi nguồn lực để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên nhưng trong quá trình triển khai, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn trong tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao; tỉnh còn nhiều hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội… khó có khả năng thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của cộng đồng.
Nhân rộng nhiều mô hình thoát nghèo
Quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hậu Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, yêu cầu tất cả các tổ chức, đoàn thể, ban, ngành vào cuộc thực hiện giảm nghèo bằng những biện pháp, mô hình cụ thể như: nâng cao kỹ năng cho 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo, phấn đấu 80% người có khả năng lao động được nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Thời gian qua, tỉnh đã nhân rộng 20 mô hình giúp nhau thoát nghèo có hiệu quả như: tổ hùn vốn, mô hình nuôi dê, mô hình lâm - ngư kết hợp, hỗ trợ phát triển, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh, các mô hình sẽ ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công, phụ nữ yếu thế, người khuyết tật... Ngoài ra còn chú trọng hỗ trợ các hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng...
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải ngân hơn 33 tỷ đồng để khởi động công tác giảm nghèo. Mới đây, 11 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A được nhận con giống để tham gia dự án nuôi dê thương phẩm, theo đó, mỗi hộ được nhận 3 con dê giống của cơ sở dê giống Ngọc Đào. Trong buổi giao nhận dê giống, các hộ tham gia dự án được nghe hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê thương phẩm chất lượng cao, nắm bắt một số kỹ thuật như cách xây dựng chuồng trại, bố trí máng ăn, nước uống, một số loại thức ăn thường được sử dụng, sự sinh trưởng, phát triển của dê theo từng giai đoạn, xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, cách thức quản lý, chăm sóc quản lý, phòng và trị bệnh. Cơ sở dê giống Ngọc Đào cam kết bao tiêu đàn dê thương phẩm với mức thu mua được bảo đảm, không gây thiệt thòi cho người dân.
Mô hình nuôi dê thoát nghèo ở xã Thạnh Xuân được khởi động từ năm 2022. Ông Võ Thanh Sơn, ấp Láng Hầm B, tham gia dự án từ năm ngoái cho biết, khi được vay vốn ông tăng số lượng đàn dê lên 6 con, sau gần 1 năm, đàn dê của ông tăng lên 20 con. Với cách tận dụng phụ phẩm có sẵn trong vườn như cỏ, lá mít, rau muống, rau lang, lá dừa, lá chuối, khi xuất chuồng, thị trường khá chuộng thịt dê nên dê thịt thương phẩm có giá từ 110 - 120.000 đồng/kg, người dân có lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến nhấn mạnh: “giải pháp có, mô hình có, vốn có, nhưng hành trình nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình vẫn gặp không ít gian nan, đó là nhận thức và quyết tâm thoát nghèo của một bộ phận người dân. Quan trọng nhất trong thực hiện công tác giảm nghèo là quán triệt tinh thần coi trọng “cần câu” hơn “con cá” đối với hộ nghèo. Do đó, cùng với việc giải ngân, tổ chức các mô hình sản xuất, tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng nâng cao dân trí, phát huy tính chủ động và năng lực người dân để thoát nghèo bền vững, bảo đảm hiệu quả thật sự, phản ánh đúng thực chất đời sống người dân, chứ không cố gắng chạy theo thành tích”.