Thực hiện chưa đầy đủ
Hà Giang là một trong những tỉnh đã đạt được thành tựu đáng kể về chuyển đổi số khu vực công và đứng đầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về nhận thức số. Khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, UBND tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ban, ngành đoàn thể; UBND các huyện, thành phố khẩn trương ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi, trách nhiệm tại cơ quan, tổ chức, địa phương, đảm bảo đầy đủ các nội dung của quy chế theo quy định đảm bảo thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời.
Tuy nhiên, theo Báo cáo khảo sát nhu cầu thực thi Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới đây cho thấy, về cung cấp thông tin các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cung cấp các loại thông tin, nhưng chưa bảo đảm thông tin được cung cấp một cách cập nhật và đầy đủ. Về mặt hình thức và yêu cầu kỹ thuật, các cổng/trang thông tin điện tử chưa bảo đảm tính thân thiện với người sử dụng, chưa đáp ưng các yêu cầu về thể thức văn bản và chưa đáp ứng đầy đủ công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận theo Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT.
Tương tác giữa chính quyền và người dân, chức năng hỏi đáp và tiếp nhận phản hồi trực tuyến trên các cổng/trang thông tin điện tử chưa được rà soát. Chức năng tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước trên các cổng/trang thông tin điện tử còn hạn chế (chỉ 5/39 cổng/trang thông tin điện tử có hiển thị mục góp ý Dự thảo và có thể truy cập được văn bản cần xin góp ý). Các thông tin đầu mối liên lạc hiện được công khai chồng chéo ở nhiều thư mục. Chức năng cho phép đánh giá hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng chưa được chú trọng…
Thiếu hụt nhân sự có chuyên môn
Trong khi đó, hiện nay người dân có rất nhiều nhu cầu tiếp cận các loại thông tin do nhà nước tạo ra, đặc biệt là những thông tin liên quan đến cuộc sống hằng ngày như vay vốn, tạo việc làm, khuyến nông, khuyến tâm; hỗ trợ học sinh; các thủ tục hỗ trợ, phí, lệ phí; chính sách về đất đai…Để tìm kiếm thông tin, người dân thường phải tìm đến lãnh đạo thôn hoặc cán bộ phụ trách chuyên môn của UBND cấp xã hoặc sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet. Đối với một số thôn vùng cao của thị trấn Yên Phú, nơi chưa có điện, việc gặp trực tiếp trưởng thôn hoặc đến UBND xã để tìm kiếm thông tin là cách thức phổ biến hiện nay.
Luật Tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức.
Điều đáng nói, Hà Giang là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn đặc trưng về cơ sở hạ tầng chuyển đổi số do địa hình núi cao và về tiếp cận thông tin bằng tiếng phổ thông đối với người đồng bào dân tộc thiểu số (người dân tộc thiểu số chiếm tới 87%) còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù hiểu đúng tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin nhưng sau hơn 4 năm thi hành, chưa có cơ quan nhà nước nào trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ tất cả các yêu cầu mà Luật đề ra.
Chuyên viên phân tích chính sách, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) Tống Khánh Linh cho biết hiện, tỉnh Hà Giang đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn về công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã để bảo đảm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP một cách hiệu quả. Đơn cử, tại thị trấn Yên Phú và xã Minh Sơn, công chức văn phòng – thống kê và công chức văn hòa – thông tin phải kiêm nhiệm việc biên tập và quản trị cổng/trang thông tin điện tử. Về cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng giúp các cơ quan nhà nước bảo đảm giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. “Qua ra soát 6 đơn vị dự kiến thí điểm mô hình cho thấy cơ sở hạ tầng và nguồn lực chưa bảo đảm. Đặc biệt, hiện UBND tỉnh Hà Giang chưa ban hành quy định về cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên các cổng/trang thông tin điện tử để áp dụng. Do vậy, các cơ quan, đơn vị chưa nắm bắt được các chuẩn mực, từ đó khát quát thành quy định cụ thể” bà Linh nhấn mạnh.
Để góp phần đưa tỉnh Hà Giang thành một trong các tỉnh miền núi phía Bắc dẫn đầu cả nước về hiệu quả hoạt động chính phủ điện tử, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và Nâng cao Năng lực phụ nữ (CEPEW) Ngô Thị Thu Hà cho rằng chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng phát huy thế mạnh về nhận thức số và thể chế số, đồng thời cải thiện hoạt động xã hội thông qua tăng cường mức độ sử dụng các cổng/trang thông tin điện tử của người dân và phản hồi của chính quyền qua các cổng/trang thông tin điện tử.