90% tai nạn giao thông ở trẻ em rơi vào nhóm tự đi
Tại tọa đàm "Hoàn thiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông góp phần bảo vệ trẻ em" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 2.2, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, rủi ro khi trẻ em (người dưới 18 tuổi) tham gia giao thông chia làm hai nhóm.
Một là nhóm tự đi (xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dung tích dưới 50cc), nhóm này phải đối mặt rủi ro rất lớn; bởi lẽ, các em kiến thức còn hạn chế, kỹ năng chưa thể thuần thục, trong khi xe điện có thể đạt tốc độ trên 40km, lại lưu thông độc lập trên dòng giao thông hỗn hợp. Nghiên cứu của trường Đại học Việt Đức cho thấy, trên 90% tai nạn giao thông ở trẻ em rơi vào nhóm tự đi, ông Minh thông tin.
Hai là nhóm trẻ em được người lớn chở đi; ở nhóm này, nếu không trang bị đủ thiết bị hoặc quy tắc giao thông như không đội mũ bảo hiểm, không có thiết bị bảo vệ phù hợp như đai an toàn thì rủi ro tai nạn cũng không nhỏ, chiếm 6 - 8% từng năm. Do đó, cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm vấn đề này, ông Minh lưu ý.
Chia sẻ với ý kiến trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dụcNguyễn Thị Mai Thoa bổ sung, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn giao thông hiện xếp thứ hai, chỉ sau tai nạn do đuối nước. Đối với các em bị thương do tai nạn giao thông không chỉ ảnh hưởng tới thể chất mà cả về tinh thần, hệ lụy này thường kéo dài trong nhiều năm.
Bởi những lẽ đó, theo các đại biểu tham dự tọa đàm, việc dự thảo Luật có những quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết và ý nghĩa.
Làm rõ thế nào là “thiết bị an toàn cho trẻ em”
Theo ông Trần Hữu Minh, trong bản thảo mới nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được hoàn thiện sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu, các chính sách bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em được thiết kế và chỉnh sửa với nhiều quy định rất tiến bộ, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Trong đó, có thể kể đến là dự thảo quy định trẻ em trên ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp; tăng cường quy định về điều kiện phương tiện, điều kiện con người và quy tắc giao thông đối với vận chuyển học sinh. Bên cạnh đó, dự thảo quy định quy tắc về nhường đường cho xe vận chuyển học sinh, hay xe tải, xe khách thấy xe chở trẻ em trên đường phải ưu tiên… Đây là những quy định rất nhân văn, tiên tiến và cần được ủng hộ mạnh mẽ để dự luật được thông qua sẽ sớm có căn cứ tạo sự thay đổi trên thực tế, ông Minh phát biểu.
Đã tiếp cận với các dự thảo Luật, PGS.TS. Phạm Việt Cường,Đại học Y tế Công cộng nhìn nhận, qua các lần điều chỉnh, dự thảo ngày càng tiệm cận với nhiều điểm mới được các nước tiên tiến áp dụng, đặc biệt là quy định về thiết bị an toàn trên ô tô - phương tiện dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng ở nước ta. “Đây là quy định đón đầu xu hướng phát triển”, ông Cường bình luận.
Cũng theo ông Cường, trong dự thảo mới nhất khi quy định về thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ trên xe ô tô, ban soạn thảo đã nâng số tuổi trẻ em từ dưới 10 tuổi lên dưới 12 tuổi, chiều cao từ dưới 1m35 lên dưới 1m50 là sửa đổi rất quan trọng, bảo đảm được độ bao phủ rộng hơn, với gần 20 triệu trẻ em.
Tuy vậy, vị chuyên gia này tỏ ý tiếc nuối khi dự thảo trước có quy định trẻ em không ngồi cùng hàng ghế người lái xe, song dự thảo sau chỉ quy định người lái xe phải hướng dẫn, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em (khoản 3, Điều 9); ông Cường cho biết, việc quy định cấm trẻ em ngồi cùng hàng ghế người lái là rất quan trọng và cũng đã được các hãng xe khuyến cáo, vì trẻ em có nguy cơ thương tích nặng hoặc tử vong nếu túi khí bung. Nhấn mạnh “vị trí an toàn nhất trên xe là hàng ghế sau”, chuyên gia đề xuất, cần bảo đảm vị trí ngồi an toàn và sử dụng thiết bị an toàn để bảo vệ trẻ em khi di chuyển trên ô tô.
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm,Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Điều 79 dự thảo Luật quy định Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp từng độ tuổi. “Vậy, cần làm rõ thế nào là phù hợp? Quy chuẩn kỹ thuật sẽ bao gồm cả vị trí, hay là kích thước ghế ngồi và điều kiện an toàn?”, ông Khiêm đặt vấn đề và cho rằng, chỉ khi làm rõ được điều này mới bảo đảm sự thay đổi trong bản dự thảo mới nhất tại khoản 3, Điều 9 là phù hợp.
Tất cả người điều khiển xe cơ giới buộc phải có giấy phép lái xe
Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu chỉ ra là dự thảo Luật đang thiếu quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đi xe máy. PGS.TS. Phạm Việt Cường thông tin, nhiều nước đã cấm trẻ em dưới 3 tuổi ngồi trên xe máy, song điều này khó thực hiện ở nước ta - nơi tỷ lệ xe máy rất lớn, hiện có khoảng 70 triệu chiếc. Mặc dù đã có quy định về đội mũ bảo hiểm, song lại không bắt buộc với trẻ em dưới 6 tuổi. Và thực tế, tỷ lệ trẻ em có đội mũ bảo hiểm ở nhiều nơi chỉ 30 - 40%. Vì thế, các chuyên gia đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định an toàn cho trẻ em khi đi xe máy, bao gồm quy chuẩn về mũ bảo hiểm, tốc độ di chuyển. Ở Indonesia, quy định tốc độ di chuyển của xe máy khi chở trẻ em là không quá 20km/h.
Nhấn mạnh bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông không phải là việc riêng của Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Công an, mà đòi hỏi sự chung tay của xã hội, PGS.TS. Vũ Hoài Nam, Đại học Xây dựng đề xuất, công tác quy hoạch vị trí trường học cần phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng lưu tâm để tránh vị trí gần quốc lộ, đường cao tốc. Nếu để trường học gần quốc lộ, cao tốc là khó chấp nhận! Đồng thời, cần đánh giá tác động của trường học đến an toàn giao thông cho học sinh, cả về cổng trường, khu vực đưa đón.
Cùng với đó, luật cần quy định về phương tiện giao thông mà trẻ em dưới 18 tuổi trực tiếp lưu hành; chẳng hạn, với xe đạp điện, cần quy định chiều cao phù hợp của yên xe, tốc độ an toàn khi vận hành, màu sơn, hệ thống phanh xe. Các yếu tố này cần được chuẩn hóa. Hay với ô tô chở trẻ em, luật cũng cần quy định có cửa thoát hiểm phía sau, có thể mở cửa từ bên ngoài…
Nhất trí với ý kiến của các chuyên gia, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa bổ sung, theo quy định, người điều khiển phương tiện cơ giới dưới 50cc không nhất thiết phải có giấy phép lái xe nên trẻ em dưới 18 tuổi có thể đi xe này. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện của các em còn hạn chế; do đó, dự thảo Luật cần quy định tất cả người sử dụng xe cơ giới phải có giấy phép lái xe. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm. “Luật cần cân nhắc nội dung này”, ông Khiêm đề xuất.