Trò chuyện đầu tuần

Ghi lại những khoảnh khắc nhân văn

NGUYỄN Á được biết đến là nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn dấn thân đến những nơi gian khó trên khắp mọi miền Tổ quốc, lấy lòng nhân hậu, tình yêu nước… làm chủ đề sáng tác. “Tôi mong muốn tạo ra không chỉ tác phẩm truyền cảm hứng về giá trị của cái đẹp mà còn như một nhân chứng, ghi lại khoảnh khắc nhân văn trong cuộc sống”.

“Câu chuyện tuyệt vời nhất trong tôi”

- Xin bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng “đứa con tinh thần” mới nhất của anh, triển lãm lần thứ 21 và cuốn sách ảnh thứ 20 mang tên “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Vang mãi bản hùng ca”. Anh đã dồn tâm sức như thế nào để đạt được thành quả ấy?

- Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, tôi đã có được trải nghiệm đặc biệt và khó quên tại vùng đất Điện Biên anh hùng. Đó là 11 ngày tác nghiệp, ghi lại hình ảnh mọi khoảnh khắc của Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Dù đã tác nghiệp ở nhiều sự kiện quan trọng nhưng lần này, áp lực đối với tôi khá lớn. Tôi không biên chế của một đơn vị báo chí nào nên không có thẻ tác nghiệp ở đó. Tôi làm việc một mình, phải tự xoay xở mọi thứ nhưng không được bỏ lỡ hoạt động nào, kể cả những hoạt động đang diễn ra cùng lúc. Tôi đã phải cố gắng hết sức, luôn tự nhủ, tự động viên để chiến thắng mọi trở ngại, khó khăn.

- Điều gì đã truyền động lực cho anh vượt qua những khó khăn?

- Suốt nhiều ngày tác nghiệp, từ khi các đội hình tập luyện cho đến ngày kỷ niệm chính thức, tôi được chứng kiến sự khổ luyện và quyết tâm của các chiến sĩ trẻ để cống hiến những đội hình diễu binh, diễu hành thật hoàn hảo. Biết bao mồ hôi khổ luyện và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ đã gây ấn tượng trong tôi, cho tôi động lực mạnh mẽ và cảm hứng để ghi vào ống kính mọi khoảnh khắc quý giá.

Một may mắn đáng quý là tôi được tiếp cận các cựu binh năm nay đã 90 - 100 tuổi, theo chân các bác về lại những điểm chiến đấu năm xưa và ghi lại những khoảnh khắc mà có lẽ chỉ một vài năm nữa thôi chưa chắc có được nữa. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, thân thiện và mến khách của người dân Điện Biên cùng với tấm lòng cả nước hướng về Điện Biên trong những ngày tháng 5 hào hùng đã tiếp thêm năng lượng cho tôi trong suốt 11 ngày tác nghiệp ở đây.

- “Mỗi bức ảnh đều mang một thông điệp” - như anh nói, câu chuyện mà anh muốn kể trong các tác phẩm lần này là gì?

- Đã từ lâu, cũng như người dân Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là câu chuyện tuyệt vời nhất trong tôi. Mục tiêu của tôi là bằng hình ảnh để lan tỏa giá trị và tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đi vào sử sách. Thực ra, câu chuyện nhiếp ảnh lần này nối dài mạch sáng tác của tôi về đời sống, gắn với thông điệp yêu thương và giá trị nhân văn, tuy mỗi dự án triển lãm, sách ảnh có chủ đề khác nhau.

Cái đẹp nằm ở chính cuộc sống thường ngày

- Anh nghĩ như thế nào về vai trò nhiếp ảnh kể chuyện trong bối cảnh xã hội ngày nay?

- Tôi làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thiên về nhiếp ảnh nghệ thuật song nhiều năm nay, chất báo chí cũng hiện diện đa số trong các tác phẩm của tôi. Tính chất báo chí làm cho bức ảnh mang hơi thở đời sống, hơi thở đương đại, làm cho người xem thay đổi tư duy, cách nhìn về nghệ thuật, về cái đẹp.

Tôi cho rằng, làm nhiếp ảnh nghệ thuật, tạo ra bức ảnh đẹp không nhất thiết phải lên miền núi, ra biển hay dàn dựng một khung cảnh nào đó để khuôn hình thật chuẩn, màu sắc thật nổi bật... Công việc đó tôi từng làm nhiều năm trước đây, để rồi nhận ra cái đẹp nằm ở chính cuộc sống thường ngày, với những sự kiện, những câu chuyện xã hội. Và tôi đã tìm thấy cái đẹp qua nhiếp ảnh, trong dáng hình di sản truyền thống dân tộc, trong những mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn nơi vùng sâu, xa xôi, hẻo lánh, những phận đời yếu đuối, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, những khoảnh khắc sinh tử của con người trong đại dịch Covid-19, sự cống hiến, hy sinh của những cựu tù Côn Đảo, của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan...

- Anh vừa nói các tác phẩm của mình là sự kết hợp chất báo chí và chất nghệ thuật. Nếu chia tỉ lệ phần trăm thì nó sẽ như thế nào?

- Đến giờ này, đa phần tác phẩm của tôi có khoảng 30% là chất báo chí, 70% là chất nghệ thuật. Dù sao, nhiếp ảnh vẫn là công việc sáng tạo và có ngôn ngữ riêng. Có điều, cách tôi làm việc với máy ảnh sẽ khác một chút, là vẻ đẹp của con người phải đặt lên hàng đầu, người thật việc thật và chất báo chí phải cao. Tôi thích như vậy vì chúng không lẫn với ai.

- Nhưng để làm được như vậy có khó không?

- Có lẽ không dễ đâu. Bản chất của báo chí là không dàn dựng. Đối tượng của hình ảnh là việc ai nấy làm, còn người chụp muốn ra bức ảnh đẹp phải chịu khó di chuyển, chịu khó tìm hiểu, lựa chọn thời điểm… Nhiều người hỏi tại sao các góc chụp của tôi phong phú đến vậy, thú thật là phải lăn lộn rất nhiều. Song việc gì cũng vậy, tôi quan niệm cứ làm hết mình.

- Mấy chục năm cầm máy, trên hành trình lăn lộn để ra được khối lượng ấn phẩm và triển lãm như bây giờ, anh thấy mình nhận được gì?

- Đầu tiên tôi cảm thấy mình có thêm nhiều năng lượng, thứ năng lượng tích cực mà có tiền cũng không mua được. Tôi bước chân vào con đường làm sách ảnh nghệ thuật năm 2008. Từ đó đến nay các dự án đều tự bỏ tiền túi làm, không nhận tài trợ. Phải công nhận rằng mỗi khi bắt tay làm dự án tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, trăn trở sách phải đến với thật nhiều người để mình thu hồi vốn và tái đầu tư cho dự án mới. Nhưng may mắn, tôi được đón nhận, được ủng hộ và cứ sau mỗi dự án lại có thêm động lực để tiếp tục.

Và một giá trị nữa, đó là trải nghiệm. Trải nghiệm là hai từ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi xem mọi thứ quanh mình đều đẹp và đón nhận một cách vô tư. Tất nhiên, vô tư không có nghĩa là hời hợt. Phải nhìn mọi thứ xung quanh nhẹ nhàng, làm việc không chỉ bằng cái đầu mà còn ở sự rung cảm. Chỉ những câu chuyện từ trái tim mới giúp người ta thấy được nhiếp ảnh đã làm gì cho xã hội.

Với tôi đã chụp ảnh phải cho mọi người thấy được ý chí của người cầm máy. Khi chụp thì phải đem cái tâm, khối óc của mình ra, lắng đọng mọi tâm tư để nhập vào tác phẩm. Có như vậy bức ảnh khi chụp ra mới có thể khiến người xem bị lay động, hiểu được thông điệp, ý nghĩa mà người nhiếp ảnh muốn nói. Và bởi vậy, chính tôi, nhờ nhiếp ảnh thấy cuộc đời này đẹp và ý nghĩa.

- Xin cảm ơn anh!

Văn hóa

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”
Văn hóa

Chính thức ra mắt sách “Con đường tương lai”

Ngày 29.4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường cùng một số doanh nghiệp tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Con đường tương lai” - Tập 1 của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ

Nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, chúng ta chỉ mất 55 ngày đêm thu non sông về một mối.

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Văn hóa - Thể thao

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn

Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc
Văn hóa

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), MV "Cho con là người Việt Nam" của Tùng Dương chính thức được ra mắt như một lời tri ân sâu sắc tới lịch sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.