Đến dự buổi tọa đàm có GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Ngô Bích Thu, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện & Công tác xã hội (QHCC TTĐPT & CTXH), các lãnh đạo phòng ban, giảng viên và sinh viên các khoa trong và ngoài trường.
Cùng tham dự chương trình có nhà báo Vũ Thị Hồng Hạnh, Thư ký Tòa soạn báo Đại biểu Nhân dân, nhà báo Hà Tùng Long, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội báo Dân Việt và cây bút viết phóng sự - nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên từ báo Nhân dân.

Trong buổi giao lưu, GS.TS Đào Văn Đông, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đề cập và khẳng định vị thế của ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện trong xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện đại.
TS. Ngô Bích Thu giới thiệu về chương trình đào tạo ngành quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện của khoa với định hướng đào tạo những sinh viên có kiến thức, kỹ năng, có năng lực thích ứng, hội nhập và phát triển trong môi trường việc làm đa dạng, đa ngành, hiện đại, cạnh tranh cao, nhưng cũng nhiều cơ hội trong nước và quốc tế.
Trong phần giao lưu chia sẻ kinh nghiệm của nghề báo và truyền thông với các sinh viên, nhà báo Hồng Hạnh cho rằng: “Công việc đầu tiên của người làm báo là luôn luôn đặt câu hỏi có gì mới không? Đây là nhu cầu bạn đọc, nếu người làm báo không đáp ứng được điều đó thì khó thu hút bạn đọc. Thứ hai, là kiếm tìm thông tin – cạnh tranh thời gian đưa tin (nhất là báo điện tử). Thứ ba, là đề tài. Đề tài là sống còn của người làm báo, là sự quan tâm hàng đầu của các toà soạn, bởi đề tài là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn của mỗi bài báo.
Nhà báo Hồng Hạnh cũng lưu ý với các bạn sinh viên, làm báo không bao giờ được suy diễn theo ý nghĩ chủ quan nếu không có cơ sở xác thực. Luôn đặt câu hỏi với các nguồn tin, kiểm chứng các nguồn tin.

“Nghề báo rất cần sự trung thực, cụ thể và chuẩn xác. Mỗi nhà báo không có cách nào khác phải chứng minh năng lực lao động của mình bằng chính các tác phẩm sống được trong lòng công chúng” – nhà báo Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Theo cây bút phóng sự Phùng Nguyên, người làm báo cần có “kỷ luật thông tin” đối với bài báo của mình, viết ngắn gọn, đầy đủ ý không thiếu cũng không thừa và cần có nền tảng kiến thức (background) tốt. Để có một bài phỏng vấn chất lượng cần vận dụng kỹ năng đặt câu hỏi.
Với thể loại phóng sự điều tra, người làm báo cần linh hoạt khi đặt câu hỏi, có những lúc cần “nhập vai” để tiếp cận đối tượng.
Khi nhập vai cần hết sức nhuần nhuyễn và nói đúng giọng điệu của nhân vật cần phỏng vấn để “kích hoạt” họ nhằm khai thác thông tin tối đa nhất có thể.
Nhà báo Phùng Nguyên lưu ý, đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người làm báo và việc đặt ra câu hỏi phù hợp “đắt giá” luôn mang lại sức mạnh lớn trong khai thác thông tin.

Cùng chung quan điểm này, nhà báo Hà Tùng Long cho rằng, người làm báo chuyên nghiệp cần có kiến thức về tâm lý học để tiếp cận đối tượng “khó”, bởi “hiểu người hiểu ta thì trăm trận trăm thắng”, ngoài ra cần nhanh nhạy, khéo léo ứng xử, có khả năng thâm nhập thực tế.
“Trong bối cảnh báo chí truyền thông có sự chuyển mình từ đơn nền tảng sang đa nền tảng với báo in, báo điện tử, báo chí di động, mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram…) người làm báo và truyền thông cần tự trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết như: kỹ năng lắng nghe, quan sát, tiếp thu ý kiến trái chiều, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo sản phẩm báo chí truyền thông. Đúng với chức năng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Và quan trọng hơn hết, người cầm bút cần có cái tâm trong sáng, bản lĩnh và khát khao “dấn thân” – nhà báo Hà Tùng Long chia sẻ.

Quan hệ công chúng (PR), công nghệ đa phương tiện và báo chí đa nền tảng thực sự là một chủ đề thu hút và có tính thực tiễn đối với không chỉ sinh viên khoa Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện & Công tác xã hội mà cả thế hệ Gen Z nói chung. Nội dung chia sẻ chuyên môn sâu, có trọng tâm và có tính tương tác giữa diễn giả và sinh viên là một thành công của buổi tọa đàm.