Phương thức nhận biết các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến
Tại hội thảo với chủ đề “Cùng Gen Z phòng tránh lừa đảo trực tuyến”, các chuyên gia đã trao đổi và đưa ra những phương thức hữu hiệu để nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Theo đó có thể phân loại lừa đảo trên môi trường trực tuyến thành ba hình thức phổ biến: lừa đảo mạo danh (phishing); lừa đảo tài chính và lừa đảo tình cảm trực tuyến.
Lừa đảo mạo danh (phishing), theo các chuyên gia, là phương thức lừa đảo nhắm vào thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân của người dùng mạng. Hành vi lừa đảo này có thể ở dạng email, tin nhắn văn bản, cuộc điện thoại hoặc các bài đăng trên mạng xã hội giả mạo các công ty, cửa hàng mà người dùng tin tưởng.

Theo chuyên gia Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch & CEO Công ty An ninh mạng SCS, hành vi lừa đảo mạo danh được kẻ xấu áp dụng và thực hiện thông qua các trang web giả và các đường link không an toàn. Với các công cụ công nghệ tự động, chỉ cần người dùng truy cập vào trang web hoặc đường link này là có thể bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản và thông tin.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra khái niệm và dấu hiệu nhận biết lừa đảo tài chính. Đây là hành vi lừa đảo bao gồm các chiêu thức liên quan đến thuế, từ thiện, thừa kế, cho vay, thương mại điện tử, các hành vi thanh toán hoặc tiền thưởng (xổ số, trúng thưởng). PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, với mục tiêu nhắm vào tiền bạc, tài chính, kẻ gian sử dụng nhiều chiêu thức để lừa đảo lấy tiền, nhận chuyển tiền của người dùng.
Một hình thức lừa đảo khác gây nguy hiểm cho giới trẻ và khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, đó là lừa đảo tình cảm trực tuyến. Các chuyên gia đều đồng ý rằng trong thời đại số hóa, việc gặp gỡ, kết bạn, hẹn hò thông qua các ứng dụng trực tuyến trở nên phổ biến và ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Diễn giả Trần Thành Nam khẳng định: “Chúng ta cần cẩn thận hơn với những người mà chúng ta làm quen trực tuyến”. Ông cũng đưa ra một số biểu hiện, dấu hiệu nhận biết cụ thể của những kẻ gian để người dùng chú ý, có thể kể đến hình ảnh của họ quá chuyên nghiệp, họ thể hiện tình cảm rất nhanh khiến bạn không thoải mái hoặc đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn tới mức khó tin; các yêu cầu chuyển khoản, thanh toán trước; các yêu cầu cung cấp thông tin; … “Hãy nhớ rằng bất kỳ người yêu qua mạng nào yêu cầu tiền từ bạn đều có thể là một kẻ lừa đảo”.
Cần làm gì để an toàn và hạnh phúc trên môi trường số?
Đến với hội thảo, là một phụ huynh có con trong lứa tuổi học sinh, MC Hồng Minh chia sẻ một số phương pháp đồng hành cùng con trên môi trường số. Đó là cần trang bị cho con các “vũ khí” bảo vệ bản thân trong các mối quan hệ, bao gồm cả hoạt động giao dịch trên mạng; tiếp cận và trao đổi thông tin với con trong các tình huống tự nhiên; tạo sự gần gũi, tin tưởng, kết nối với con để con có các kiến thức tự bảo vệ được bản thân mình.
Cùng với yếu tố đồng hành, ông Ngô Tuấn Anh nêu cụ thể rằng cần nâng cao nhận thức của cả cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, ông đưa ra một số biện pháp về mặt giải pháp, công nghệ - kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trên mạng, đó là kích hoạt chế độ xác thực hai bước đối với các tài khoản cá nhân, đồng thời gia đình có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn lọc các nội dung độc hại trên các thiết bị truy cập.
Là một chuyên gia an ninh mạng, ông cho rằng cần phải tích cực, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái và mạng lưới bảo vệ trẻ em trên không gian mạng thông qua các cuộc thi, các hội thảo và chương trình hữu ích.

Cần nâng cao “hệ miễn dịch số” của mình
Môi trường số phát triển với rất nhiều các lợi ích vượt trội, tuy nhiên cũng tồn tại không ít yếu tố không an toàn, tác động tiêu cực đến người dùng mạng.
Để hạn chế rủi ro trên môi trường mạng thời đại công nghệ số, các chuyên gia cho rằng người dùng mạng luôn phải cảnh giác và kiểm tra kỹ các thông tin. “Kiểm tra người liên hệ với mình, kiểm tra thông tin mình nhận được, kiểm tra với những người xung quanh và kiểm tra cảm nhận của mình để chắt lọc thông tin đúng, để có ứng xử đúng, văn minh, lành mạnh và trở thành công dân có sức mạnh trên nền tảng số” – MC Hồng Minh nhắn nhủ. Tương tự, ông Ngô Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc người dùng phải kiểm tra và suy nghĩ trước khi click truy cập vào bất cứ nội dung nào.
Chuyên gia Trần Thành Nam khẳng định: Mỗi người cần nâng cao năng lực công dân số, nâng cao “hệ miễn dịch số” của mình để đảm bảo an toàn cho bản thân và phòng tránh những hình thức lừa đảo.
Không chỉ thế hệ trẻ, bản thân phụ huynh muốn bảo vệ con cái trên không gian số cũng cần nâng cao “sức đề kháng số” của mình, giúp chính mình và giúp con. Cá nhân phụ huynh và bạn trẻ đều cần tự nhận biết, tự có khả năng bảo vệ mình trên môi trường mạng và cùng đồng hành với nhau để an toàn, hạnh phúc trên môi trường này.