Đại lễ thu hút tham gia trực tiếp của gần 30 nghìn người (gồm Phật tử, Nhân dân thập phương cùng với hơn 2 nghìn khóa sinh đang theo học Khóa tu mùa hè lần 3 - Chùa Ba Vàng năm 2022) và hàng vạn Phật tử trong nước, cũng như ở nước ngoài tham gia trực truyến qua các kênh truyền thông của Chùa.
Tâm Bồ đề - tâm giác ngộ
Tại buổi lễ, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Cúc Vàng - đại diện cho Phật tử thuộc CLB nói riêng và Phật tử, Nhân dân tham dự đại lễ nói chung đã cung kính bạch thỉnh Phật, cầu thỉnh xin được xả các lời thề nguyền ác độc, tà kiến, cầu thỉnh được phát Bồ Đề tâm nguyện; Cầu thỉnh phát nguyện Bồ Đề, thực hành pháp lục hòa; Cầu thỉnh được phát nguyện Bồ Đề, thực hành pháp lục hòa, thực hành công hạnh Bồ Đề cầu Vô Thượng Bồ Đề, chân thật sám hối tội lỗi và xin hồi hướng đến vô thượng Bồ đề.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì Chùa Ba Vàng cho biết, giá trị của tâm Bồ đề vô cùng to lớn. Nếu không có tâm Bồ đề, không thể thành tựu được những phận sự, không thể thành Phật. Cho nên Lễ Phát tâm Bồ đề là một đại lễ truyền thống được Chùa Ba Vàng tổ chức thường niên hàng chục năm nay và sẽ duy trì mãi mãi.
Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, ai cũng nghĩ phát tâm Bồ đề là cái gì đó rất rộng, rất lớn, như bầu trời hư không, điều đó rất đúng. Nhưng để hiểu cụ thể thế nào là phát tâm Bồ đề thì rất khó, đa phần hiện chỉ mới phát bồ đề miệng, mới học thiện pháp mà chưa giác ngộ vì vẫn chỉ mong gia đình con được giàu có, được yên ấm, công thành danh toại.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ rõ, phát tâm Bồ đề trước hết phải hiểu - Bồ đề có nghĩa là giác ngộ. Tâm Bồ đề nghĩa là tâm giác ngộ. Phát tâm Bồ đề có 2 điều chú ý. Thứ nhất, phát tâm Bồ đề là phát tâm cầu thành tựu vô thượng Bồ đề. Thứ hai, là phát ra cái tâm giác ngộ, phát ra tâm Bồ đề (tức là từ nơi mình phải phát ra sự giác ngộ).
Phát tâm Bồ đề có 2 nghĩa. Một là, cầu vô thượng Bồ đề, cầu cho mình được giác ngộ, cầu nguyện sẽ tu tập thế nào đề cho mình giác ngộ tối thượng. Hai là, chính mình phát ra cái tâm giác ngộ ngay từ bây giờ.
Theo đó, từ ý nghĩa thứ nhất, phát tâm Bồ đề là nguyện cầu sự thành tựu giác ngộ tối thượng, nguyện cầu sẽ tu tập tất cả những gì của Phật pháp, để thành tựu sự giác ngộ như Đức Phật, như mười phương Chư Phật.
Theo ý nghĩa thứ hai, ngay bây giờ mỗi người phải phát ra những tâm giác ngộ từ học phật pháp, học phật pháp sẽ đi đến giác ngộ, hành phật pháp sẽ đi đến giác ngộ. Cụ thể, chúng ta phải giác ngộ cuộc đời là vô thường, tất cả mọi sự trên đời đều vô thường, vạn vật hữu vi này đều vô thường, thân tâm thế giới này đều vô thường.
Điều quan trọng trước hết, phát tâm Bồ đề là phải chân thật, thấm sâu sự vô thường, giác ngộ thật sự về sự vô thường, giác ngộ đời là vô thường.
Tiếp đến, giác ngộ đời là giả tạo, tất cả mọi cái đều là rất giả tạo, nhân duyên giả hợp mà thành; giác ngộ cái thân này cũng là nhân duyên giả hợp mà thành, khi hết duyên nó tan rã hết. Cho nên, cái thân người không phải là của mình, mình là vay mượn tứ đại, nó không phải thật là mình, đây là sự thật Đức Phật chỉ rõ như vậy. Vì thế, phát tâm Bồ đề, là thấy rõ cái thân này là giả tạo, không đắm chấp cái thân, không vì cái thân này mà khổ, mà tạo ra vô lượng ác nghiệp...
Đồng thời, giác ngộ thế gian này là vô ngã, thực sự tất cả vạn pháp đều là duyên hợp vô ngã, là khổ. Đức Phật gọi thế gian này là biển khổ.
Làm tất cả các thiện pháp trong tâm giác ngộ
Với tâm giác ngộ như vậy, người con Phật phải tu tập làm tất cả các thiện pháp trong tâm giác ngộ.
Học theo sự phát tâm Bồ Đề của mười phương chư Phật và hướng về Tam Bảo thường trụ ở khắp mười phương, Chư tôn đức tăng Chùa Ba Vàng và phật tử, nhân dân tham gia trực tiếp và trực tuyến Đại lễ, đã chí thành phát nguyện.
Điều 1- Quyết chí tu hành, cần cầu Phật Pháp, dù Phật đạo lâu xa cũng không nhàm mỏi, dù Phật quả khó thành cũng không nản chí, tinh tấn tu hành tất cả Phật pháp, cho đến khi giác ngộ viên mãn thành Phật.
Điều 2 - Nguyện tu hành tự lợi - lợi tha, tự giác - giác tha, giác hạnh viên mãn. Chúng sinh dù nhiều, cũng không nản chí, chúng sinh dẫu khó độ, cũng chẳng sờn lòng. Quyết đem ánh sáng của Phật Pháp, phổ độ khắp tất cả quần sinh, đồng thành Phật đạo.
Điều 3 - Nguyện hộ trì Chính pháp, giữ gìn ngôi Tam Bảo, thường còn mãi ở thế gian, không tiếc thân mạng.
Điều 4 - Nguyện luôn luôn giữ gìn tâm Bồ Đề kiên cố, không để quên mất, dù phải trải qua nhiều khó khăn chướng ngại, cũng quyết không thoái chuyển.
Điều 5 - Nguyện tu hành theo Mười hạnh nguyện, của đức Phổ Hiền Vương Bồ tát và lại nguyện: “hộ trì Tam Bảo, chuyển tải Phật Pháp, rộng khắp thế gian.
Chư Tôn đức Tăng Chùa Ba Vàng và Phật tử, Nhân dân cũng cầu nguyện mười phương Tam Bảo chứng minh và gia hộ cho chúng con, có đầy đủ nghị lực và ý chí, để thực hiện thành tựu các điều cầu nguyện tại đại lễ phát tâm Bồ đề.