Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai dẫn đầu tham dự phiên họp.
Duy trì cam kết chính trị và có hành động cụ thể
Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, Đoàn Việt Nam bày tỏ ủng hộ thông qua và nêu rõ: Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các thỏa thuận quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu từ rất sớm; đề cao vai trò của Nghị viện nói chung và cá nhân các nghị sỹ nói riêng trong thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng, là nhân tố thành công số một. Đoàn Việt Nam đề nghị, Nghị viện các nước thành viên AIPA tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào chương trình nghị sự toàn cầu, nhất là AIPA, để có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực và nhân loại, đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trở lại ưu tiên trong Chương trình nghị sự toàn cầu gắn liền với an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Theo Nghị quyết được thông qua, nghị viện các nước thành viên AIPA chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng ngày càng dễ bị tổn thương và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đối với khu vực, bao gồm nước biển dâng, nhiệt độ ấm hơn và thời tiết khắc nghiệt, các thảm họa ngày càng trầm trọng thêm do khí hậu gây ra như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Mặt khác, tác động của thiên tai do khí hậu gây ra sẽ làm tăng khả năng người dân phải di dời do biến đổi khí hậu.
AIPA thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác khu vực, trong đó ASEAN có thể nâng cao năng lực đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. AIPA hoan nghênh các quốc gia thành viên ASEAN điều chỉnh các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động và lộ trình, đặc biệt là về khả năng chống chịu và thích ứng với khí hậu, đồng thời coi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Kích hoạt và tăng cường nguồn tài chính cho khí hậu
AIPA khuyến khích các nghị viện thành viên AIPA hợp tác và cung cấp hướng dẫn trong ASEAN về sử dụng các nguồn lực sẵn có hướng tới tích hợp công nghệ kỹ thuật số để phục hồi và thích ứng với khí hậu. Đồng thời kêu gọi ASEAN hợp tác và thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin khoa học về khí hậu, nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Thiết lập trung tâm dữ liệu khu vực để điều phối việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên ASEAN với mối liên kết chặt chẽ hướng tới quản lý rủi ro thiên tai.
AIPA cũng thống nhất thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN tìm hiểu, kích hoạt và tăng cường nguồn tài chính cho khí hậu và các cơ hội cho hỗ trợ kỹ thuật; nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ lẫn nhau tạo điều kiện cho các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan hướng tới khả năng chống chịu và thích ứng. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bao trùm kỹ thuật số trong đối phó với biến đổi khí hậu, vì công nghệ và đổi mới sẽ là chìa khóa cải thiện việc áp dụng các công nghệ xanh. Nâng cao khả năng sẵn sàng của cộng đồng đối với các thảm họa do khí hậu gây ra thông qua việc thúc đẩy các chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai nhằm xây dựng các cộng đồng chống chịu với thiên tai ở mọi cấp độ xã hội. Tăng cường quan hệ đối tác công - tư ở cấp địa phương và khu vực để nâng cao khả năng phục hồi của cộng đồng và năng lực thích ứng, đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo chương trình, Ủy ban Xã hội cũng sẽ xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết về: “Vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người dân tham gia bầu cử nhiều hơn” (do Malaysia đề xuất) và “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia” (do Malaysia đề xuất).