
Sách “Văn hóa Óc Eo - Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa 2017 - 2020” dày 359 trang, khổ 25x25cm, do 3 tác giả đồng chủ biên gồm: Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, PGS.TS. Bùi Minh Trí; Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, TS. Nguyễn Gia Đối và Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên.
Sách gồm 4 chương: Khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ; Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Óc Eo - Ba Thê; Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Nền Chùa; Đánh giá tổng quan kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học năm 2017 - 2020.

Theo Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS. Tống Trung Tín, với hình thức đẹp, minh họa rõ, lời viết ngắn gọn, cuốn sách giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt được các thành tựu mà các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã đạt được trong ba năm 2017 - 2020 thực hiện đề án nghiên cứu khảo cổ học Óc Eo.
PGS.TS. Tống Trung Tín đánh giá, cuốn sách giúp ta hiểu trong ba năm này, khảo cổ học Việt Nam đã có nhiều phát hiện mới về văn hóa Óc Eo. Cụ thể, trước hết đã phát hiện một địa tầng văn hóa dày dặn, niên đại trải dài liên tục từ trước Công nguyên đến thế kỷ X - XI. Đây là điều quan trọng hàng đầu của bất cứ một công trình khoa học nào.
Thứ hai, đã phát hiện một hệ thống di tích phong phú trải dài theo các thời kỳ lịch sử văn hóa trên đây bao gồm các dấu tích: tường bao, nhiều móng nền kiến trúc đền miếu, dấu tích kiến trúc nhà sàn bị đổ sập, dấu tích các cột nhà sàn còn nguyên vị trí từ ngày khởi dựng, dấu tích đường đi lối lại, giếng nước vuông, giếng nước tròn, hồ nước, đường nước, dấu tích các lung lớn, lung nhỏ…
Thứ ba, đã phát hiện một hệ thống di vật khá phong phú với nhiều loại hình chất liệu và kiểu dáng khác nhau như: vật liệu kiến trúc gạch, ngói, gỗ, đá, đồ gốm Óc Eo, đồ gốm quốc tế, đồ đồng, đồ vàng, đồ trang sức thuỷ tinh, đồ thờ…
“Những di vật này nếu được khai thác thật tốt, thật kỹ sẽ thổi hồn làm lung linh thêm hệ thống di tích văn hóa Óc Eo. Dù mới chỉ bước đầu, nhưng các nhà nghiên cứu của ba Viện đã tiếp cận các giải pháp công nghệ hiện đại và tăng cường nghiên cứu so sánh giúp người đọc bước đầu nhận ra được nhiều vấn đề về di tích, di vật mà trước đây nhìn chung còn rất lờ mờ”, PGS.TS. Tống Trung Tín cho hay.

Còn PGS.TS. Đặng Văn Thắng, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, thì cho rằng, tác phẩm không chỉ cung cấp những kết quả khai quật và nghiên cứu mới có giá trị khoa học, mà còn cho thấy sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy. Với cách tiếp cận khảo cổ học, lịch sử văn hóa, tư duy nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành, các Chủ biên và tập thể tác giả đã thể hiện nhiều suy nghĩ, nhận thức mới về đặc tính lịch sử và giá trị văn hóa độc đáo của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Do vậy, những nhận định về khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) cũng như Nền Chùa (Kiên Giang), dù là bước đầu, nhưng đã phần nào khẳng định những đóng góp khoa học quan trọng, cụ thể, làm sáng rõ hơn đặc trưng, tính chất, chức năng, niên đại và vai trò ở ba khu di tích đối với văn hóa Óc Eo. Những nhận định ấy còn là những gợi mở mang tính định hướng cho những chương trình, dự án nghiên cứu tiếp theo về văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Mê Kông nói riêng và toàn bộ Vương quốc Phù Nam nói chung.
“Rất nhiều nhận định tại chương IV của cuốn sách thể khai thác để xây dựng những tiêu chí trong hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Óc Eo là Di sản thế giới, khi những tư liệu sau chỉnh lý minh định một cách thuyết phục cho những tiêu chí sẽ được xây dựng”, PGS.TS. Đặng Văn Thắng cho biết thêm.