Mùa thu năm ấy
Lại là một bộ phim hay đến muộn. Nhưng muộn còn hơn là không bao giờ.
Tôi đã nhiều lần nghe đến "Chuyện đồng thoại mùa thu" (An Autumn’s Tale) của nữ đạo diễn Trương Uyển Nghi (Mabel Cheung), một trong hai nữ đạo diễn tài danh của điện ảnh Hongkong thuở ấy, cùng với Hứa An Hoa. Nhưng tận đến giờ mở Netflix lên, mới có cơ duyên xem nó.
![]() Diễn xuất ăn ý giữa Chung Sở Hồng và Châu Nhuận Phát trong "Chuyện đồng thoại mùa thu" |
Một câu chuyện tình xưa cũ, nhẹ nhàng, bảng lảng, nhưng cái dư âm đọng lại khi kết phim khiến tôi muốn chìm đắm mãi trong không khí của đôi tình nhân "mặt ngoài còn e" ấy, nhất là khi nó được diễn ra giữa mùa thu ở New York.
Jennifer (Chung Sở Hồng), một cô gái trẻ ngây thơ trong sáng từ Hongkong đến New York để làm nghiên cứu sinh, nhưng mục đích lớn hơn của cô là được gặp lại anh chàng người yêu "thanh mai trúc mã" đã sang Mỹ vài năm trước. Đón cô ở sân bay là ông anh họ xa có vẻ ngoài "đầu gấu" và bặm trợn Samuel Pang (Châu Nhuận Phát vào vai không thể đạt hơn).
Trong lần gặp gỡ đầu tiên và chở cô từ sân bay về khu phố Tàu, ông anh họ cho cô biết thế nào là mùi "đầu gấu" vỉa hè, từ việc bắt cô phải giữ cánh cửa xe sắp bung ra đến việc lạng lách cùng màn "võ mồm" trên đường phố.
Ngày hôm sau, Jennifer hào hứng ra ga tàu đón anh chàng người yêu từ Boston về thì cô phát hiện anh ta đi với một cô gái khác. Đau lòng và bẽ bàng khi phát hiện ra sự thật, cô giận dữ chạy ra xe của ông anh họ Samuel và nhờ anh chở về nhà trọ. Nhưng cũng nhờ thế mà chúng ta mới chuẩn bị được chứng kiến một câu chuyện đồng thoại mùa thu. Đồng thoại ở đây, xin hãy hiểu là một câu chuyện cổ tích hiện đại về tình yêu đôi lứa với đoạn kết bỏ ngỏ khiến người xem không thôi vương vấn.
Một trong những phân đoạn tôi thích nhất là cảnh Samuel trang trí cho ngôi nhà trọ chật hẹp của Jennifer. Anh đóng một chiếc phản gỗ trên bồn tắm, chỉ cần lật lên, cô có thể nằm ngâm mình trong đó; nhưng khi đặt xuống, cô có một chiếc bàn gỗ xinh xắn để học bài. Khi Jennifer tiếc nuối ô cửa sổ bị che mất làm cô không nhìn thấy cây cầu Brooklyn, ông anh họ lại nảy ra sáng kiến đặt một bức tranh có cây cầu Brooklyn ngay ô cửa sổ bị che.
Samuel giúp Jennifer tìm việc, chở cô đến chỗ làm. Khi nghe cô bày tỏ sự khao khát được xem một vở kịch Broadway, ngoài mặt anh ta chê “kịch của bọn Mỹ dở lắm”, nhưng mặt khác lại chen chân để mua hai tấm vé chợ đen. Và trong những ngày nghỉ, họ lang thang trên phố, trò chuyện với nhau về những ước mơ cho tương lai.
Câu chuyện của họ diễn ra như thế, nhưng không ai dám dấn thêm một bước nữa. Bởi chàng "đầu gấu" Samuel mặc cảm về cuộc sống bấp bênh, giang hồ và thiếu học của mình. Dù khi biết mình có tình cảm với Jennifer, chàng ta cũng viết lên bảng mục tiêu... nói tiếng Anh đúng ngữ pháp chứ không phải tiếng "Anh bồi"; và cố gắng để có cái thẻ xanh rồi đến thẻ vàng. Và nữa là từ bỏ thế giới "giang hồ vặt" để tu chí làm ăn.
Còn Jennifer, càng lúc cô càng cảm mến sự chân chất, thật thà nhưng trượng nghĩa của Samuel, nhưng dường như cô vẫn chưa sẵn sàng cho một mối tình sau vết thương của tình đầu... Giữa lúc ấy thì chàng tình nhân cũ của Jennifer quay trở lại New York tìm cô, đúng trong đêm tiệc của Samuel...
Mạch phim cứ dền dứ như thế, và chuyện tình của họ có nguy cơ lâm vào ngõ cụt đường cùng. Dù Jennifer biết cô đã không còn chút tình cảm nào với gã tình nhân cũ. Dù Samuel cũng nén cơn ghen vào trong và cư xử như một gã đàn ông trưởng thành.
Mùa thu của những kẻ xa xứ sắp trôi qua. Và chuyện tình giữa họ vẫn cứ dền dứ như vậy đó. Cho dù món quà ngày họ chia tay nhau khiến tim ta như thắt lại, bởi chúng gắn liền với một kỷ niệm tuyệt đẹp của họ giữa mùa thu năm ấy…
Chuyện "Đồng thoại mùa thu" là một trong bộ ba (trilogy) về đề tài nhập cư (xa xứ) của nữ đạo diễn Trương Uyển Nghi và trở thành bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của bà, dù bà còn có một số phim hay khác như City of Glass (với Lê Minh, Thư Kỳ, Ngô Ngạn Tổ) hay The Soong Sisters (Ba chị em nhà họ Tống, với Dương Tử Quỳnh và Trương Mạn Ngọc)…
Tại Giải thưởng điện ảnh Hongkong lần thứ 24 (2005), khi chọn ra 100 phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời, "Chuyện đồng thoại mùa thu" được xếp thứ 49, trên cả "Bá Vương Biệt Cơ" của Trần Khải Ca, "Yi Yi" của Dương Đức Xương, "A Taipei Story" của Hầu Hiếu Hiền và cả "Tâm trạng khi yêu" của Vương Gia Vệ.
Tất nhiên mỗi giải thưởng có một tiêu chí riêng và chỉ mang giá trị tham khảo mà thôi. Ví như "Tâm trạng khi yêu" được giới điện ảnh phương Tây xếp hạng 1 (hoặc 2) trong những bộ phim hay nhất của thế kỷ XXI thì trong bảng xếp hạng của Hongkong Film Awards xếp vị trí... 90 của riêng phim Hoa ngữ.
Bỏ qua những bảng xếp hạng và giải thưởng, xem "Chuyện đồng thoại mùa thu" sau khi bộ phim ra đời đã 33 năm, nó lại khiến tôi nhớ về thời hoàng kim của điện ảnh Hongkong thuở ấy. Nhớ lại những tài tử sáng chói của điện ảnh Hongkong thuở ấy mà Châu Nhuận Phát và Chung Sở Hồng là hai trong những cái tên nổi bật nhất.
Năm 1987 cũng là một năm đột phá trong sự nghiệp của Châu Nhuận Phát. Trước đó 1 năm, anh có "A Better Tomorrow" (Anh hùng bản sắc) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm thành công vang dội. Năm 1987, ngoài "Chuyện đồng thoại mùa thu" mang về cho anh giải Kim Tượng lần thứ 2, anh còn đóng chính trong 2 phim hành động ăn khách khác là Long Hổ Phong Vân (City on Fire) và Giam Ngục Phong Vân (Prison on Fire) đều của đạo diễn Ringo Lam cùng 3 bộ phim khác đóng chung với Lưu Đức Hoa và Chung Sở Hồng.
Chung Sở Hồng là ngôi sao nữ tỏa sáng nhất thập niên 80, có phần lấn át cả Lâm Thanh Hà. Thời đó Trương Mạn Ngọc mới xuất hiện còn Củng Lợi thì đang nằm trong vùng vô danh.
Châu và Chung là một cặp đôi đẹp của màn bạc Hongkong thuở ấy. Họ diễn ăn ý và tình tứ đến mức người này đoán được mảng miếng của kẻ kia. Cả hai đóng chung với nhau trong 6 bộ phim (theo tôi biết). Nhưng bộ phim thành công nhất của Châu và Chung chính là "Chuyện đồng thoại mùa thu", đưa cả hai lên đỉnh cao. Họ còn cộng tác vài phim nữa, kể cả bộ phim cuối cùng là "Tung Hoành Tứ Hải" (Once a Thief) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, quay tại nhiều địa danh ở Paris và một số nước ở châu Phi.
Sau phim đó, Chung Sở Hồng kết hôn và từ giã điện ảnh vĩnh viễn. Chỉ còn Châu Nhuận Phát ngoài 60, phong độ đã xuống nhiều so với thời mặc áo choàng bắn đạn như vãi trấu và bồ câu bay rợp trời.
Cả Châu và Chung sau này có nhiều thứ, vinh quang và tiền bạc không thiếu gì, nhưng họ vĩnh viễn không có được kỷ niệm ngây thơ của mùa thu năm ấy. Những dòng này, cũng để tưởng nhớ về điện ảnh Hongkong một thời đã vĩnh viễn biến mất.
![]() Sharon Stone - nữ minh tinh thời đỉnh cao |
Thời đẹp nhất của họ
Netflix cũng cho chúng ta cơ hội được xem lại "Casino" (1995) của đạo diễn gạo cội Martin Scorsese. "Casino" vẫn có hai diễn viên "ruột" của cụ Scorsese là Robert DeNiro và Joe Pesci, họ diễn vẫn "oách", vẫn là những tay gangster thiện xạ, nhưng phần nào lặp lại cái bóng của "Goodfellas" (1992), phim gangster hay nhất trong sự nghiệp của cụ, theo tôi. Vì thế mà diễn viên gây bất ngờ nhất trong "Casino" là Sharon Stone, bà hoàng của phim "tình cảm giật gân" thời đó. Sharon Stone diễn xuất sắc những sắc thái của một người đàn bà nhan sắc, từ lúc được cưng chiều cho đến khi bị vùi hoa dập liễu, nghiện ngập và tàn úa. Nàng Ginger của Stone thậm chí còn xuất sắc hơn cả DeNiro. Chẳng trách năm đó, cô nhận giải Quả cầu vàng cho Nữ chính và được đề cử Oscar cùng hạng mục, đề cử duy nhất trong sự nghiệp của cô, đến nay.
Tất nhiên vai diễn đưa Sharon Stone lên đỉnh cao vinh quang không phải là "Casino" mà là vai diễn nữ văn sĩ Catherine Tramell nguy hiểm chết người trong "Basic Instinct" năm 1992.
"Basic Instinct" là đỉnh cao của Sharon Stone trong điện ảnh, xác lập vị trí nữ hoàng phim tình cảm giật gân thời đầu 1990 và biến cô trở thành một trong những nữ diễn viên quyền lực nhất thập niên này. Sharon Stone vốn là một hoa hậu và siêu mẫu, từng diễn nát sàn catwalk Milan và Paris những năm đầu 1980, nhưng cô thông minh quá nên chán cái nghề chỉ sử dụng đôi chân nhiều hơn não bộ, vì vậy mà đóng vali ngược về New York, chấp nhận xếp hàng trong đám diễn viên vô danh thử vai để được đóng một vai phụ trong một bộ phim của Woody Allen, đạo diễn mà cô thần tượng hết mực. Bị Hollywood cám dỗ, cô quyết tâm bằng mọi giá trở thành siêu sao. Con đường chinh phục này mất khoảng 10 năm chứ không ít. Sau cú hit "Total Recall", một phim hành động pha khoa học viễn tưởng mà cô đóng chính cùng Arnold Schwarzenegger dưới tài chỉ đạo của đạo diễn.
Paul Verhoeven, cô bắt đầu tỏa sáng và vươn tới đỉnh cao. Verhoeven tiếp tục mời cô đóng chính trong Basic Instinct. Basic Instinct trở thành một trong những phim ăn khách nhất năm đó, biến Sharon Stone trở thành một trong những nữ diễn viên quyền lực nhất của Hollywood thời đầu 1990, cạnh tranh với 4 nữ diễn viên hàng đầu thời đó là Julia Roberts, Meg Ryan, Demi Moore & Jodie Foster.
Cả 5 cô đều có những phim đỉnh cao đóng đinh trong sự nghiệp, thành công vang dội suốt thập niên 1990 và xuống dần sau đó. Trong số này hiện chỉ còn Julia Roberts còn giữ vị trí ngôi sao nhưng hoạt động cầm chừng để giữ tên tuổi. Nhưng những vai diễn thời đỉnh cao, nhan sắc lộng lẫy, trí tuệ hơn người (Jodie Foster và Sharon Stone là hai nữ diễn viên có chỉ số IQ cao nhất Hollywood) vẫn để lại những giai thoại và huyền thoại khó quên của thập niên 1990.