Thiết bị truyền tin báo cháy “siêu tốc”: Việc cần làm ngay để chống "giặc lửa"
Theo thống kê của cơ quan Công an, giai đoạn 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại ước tính 7.043 tỷ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ, sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Điển hình như vụ cháy vào tháng 7.2017 làm 8 người chết tại xưởng bánh kem ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội; vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 11.2016 khiến 13 người chết; vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tháng 3.2018 tại tòa nhà Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, 14 người bị thương.
Mới đây, vụ cháy quán karaoke ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1.8 đã khiến 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Những con số nêu trên cho thấy tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ và yêu cầu bảo vệ an ninh, an toàn, Bộ Công an đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, cùng với việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy Bộ Công an đã và đang tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện tiên tiến, hiện đại phù hợp điều kiện Việt Nam để phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH.
Một bước tiến trong công cuộc phòng, chống "giặc lửa" đó là việc quy định lắp đặt thiết bị truyền tin nhanh báo cháy tại một số công trình. Theo Thông tư 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an, tất cả những công trình có nguy cơ cháy nổ thuộc diện cơ quan công an phải quản lý (có danh mục loại công trình được công bố) phải được trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố và cập nhật thông tin về hệ thống Cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07).
Thiết bị truyền tin báo sự cố này được hiểu đơn giản là một thiết bị có thể truyền tin qua điện thoại, gắn vào hệ thống PCCC của cơ sở. Thiết bị này sẽ truyền tin thường xuyên đến các điện thoại được cài đặt về tình trạng hoạt động của hệ thống báo cháy. Khi xảy ra cháy, thiết bị này cũng tự động gửi cảnh báo qua mạng đến những nơi cần thiết. Đây được coi là bước tiến lớn trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào PCCC.
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, đến ngày 20.2.2023, các cơ sở công trình thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ cần được trang bị thiết bị truyền tin báo sự cố. Với hiệu quả của giải pháp công nghệ này, chắc chắn sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác PCCC cũng như các hoạt động cứu nạn cứu hộ (CNCH), góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Phương thức hoạt động của thiết bị truyền tin nhanh báo cháy
Trong danh mục các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị truyền tin báo cháy được hiểu là một thiết bị có tính năng cảnh báo cháy thông minh, sớm và chính xác. Thiết bị được lắp đặt ở các công trình nhà ở, trường học, chung cư, khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… và trở thành điều kiện tiên quyết để công trình đi vào hoạt động.
Về cơ chế hoạt động, thiết bị truyền tin báo cháy nói riêng và các dòng thiết bị cảnh báo cháy sớm nói chung đều hoạt động chung một cơ chế và cách thức. Khi nhận thấy dấu hiệu hoả hoạn như khói, lửa, sự biến động đột ngột của nhiệt độ, các thiết bị này sẽ phát ra cảnh báo cháy qua chuông báo cháy và gửi tin nhắn, gọi điện (tự động) cho cơ quan chức năng cũng như tới các số điện thoại được cài đặt trên hệ thống.
Trương Hiếu