Đây là sự kiện quan trọng nhằm tham mưu, góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật về người cao tuổi cũng như xây dựng các chính sách phù hợp để Việt Nam thích ứng với tình trạng già hóa dân số đang ngày một tới gần.
Theo ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, già hóa dân số không chỉ là vấn đề thuộc về người cao tuổi mà là vấn đề cấp bách của quốc gia, của toàn xã hội bởi những ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân lực và ứng xử và các dịch vụ xã hội.
Như đã biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Tổ chức Lao động quốc tế ILO dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế.
Sự kiện là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 58-KL/TW ngày 23.6.2023 “Về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chiến lược Người cao tuổi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045; trên cơ sở thống nhất giữa Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình, Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách”.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của 250 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các phóng viên từ các cơ quan thông tấn thường xuyên tham gia tuyên truyền về hoạt động của hội.
Hội thảo sẽ có 80 tham luận và 1 bài phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng xoay quanh các chuyên đề: “Nhận thức chung về bối cảnh già hóa dân số trên thế giới và Việt Nam”; “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thích ứng với già hóa dân số - tham khảo cho Việt Nam”; “Thực trạng già hóa dân số Việt Nam hiện nay”; “Xu hướng, giải pháp và tầm nhìn chính sách thích ứng với già hóa dân số thời gian tới”; Tư vấn chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam…
Hội thảo sẽ bảo đảm tính định hướng tư tưởng chính trị của Đảng, không để lợi dụng diễn đàn phê phán Đảng, Nhà nước mà là dịp kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý quan tâm tới việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số.
Bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, cung cấp được các góc nhìn đa chiều của từng cấp, từng lĩnh vực, trong nước, quốc tế, đề cập tới những vấn đề căn cốt liên quan tới cơ chế, chính sách phù hợp với sự ứng phó tác động 2 chiều của già hóa dân số nhanh ở nước ta.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa xã hội. Chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan phối hợp, đơn vị tài trợ, tuân thủ nguyên tắc, qui định về tài chính, thực hành tiết kiệm.
Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu tiên đề xuất hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi. Cụ thể, người hết tuổi lao động (hiện nam 61, nữ 56 tuổi 4 tháng) nhưng còn khả năng và có nhu cầu làm việc thì được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Người cao tuổi muốn vay vốn để tạo hoặc mở rộng việc làm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí như: Thuộc hộ nghèo; người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi làm hồ sơ vay vốn, người vay có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trình phương án sử dụng vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc tại địa phương và các loại giấy tờ chứng minh thuộc nhóm ưu tiên...