“Cuộc chiến” không cân sức
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, dự kiến vào trung tuần tháng 12.2017, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ được trình Chính phủ lần cuối trên tinh thần Chính phủ ban hành ngày nào sẽ có hiệu lực ngay ngày đó để rút ngắn thời gian áp dụng. |
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đã được quy định tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ và đã được sửa đổi bổ sung trong Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 8.7.2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về phân bón đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20.9.2017 của Chính phủ.
Thống kê cho thấy, nếu như năm 2015 các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trên 4.000 vụ vi phạm liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, vi phạm ghi nhãn phân bón thì năm 2016 con số này đã tăng lên trên 5.000 vụ, trong đó, có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng về phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã bị phát hiện nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam Phạm Ngọc Hùng cho rằng, việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm sản xuất, lưu hành phân bón giả, nhái mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, dẫn đến nhiều doanh nghiệp vi phạm “nhờn luật”. Nhiều doanh nghiệp không ngại phạm luật và không sợ xử phạt bởi lợi nhuận lớn hơn gấp bội.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy phân bón giả |
Các hành vi vi phạm liên quan đến phân bón giả áp dụng xử phạt theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19.11.2015 và mức xử phạt tiền cao nhất đối với một hành vi vi phạm liên quan đến phân bón giả là 240 triệu đồng. Tội sản xuất, buôn bán phân bón giả bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 195 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017QH14, theo đó mức phạt tù cao nhất đối với vi phạm về phân bón giả là 20 năm tù. Các quy định, các chế tài phân định đối với xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đã được quy định và phân định rõ ràng. Tuy nhiên, thời gian qua, rất ít các vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả bị xử lý hình sự.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, Thuận Phong là một trong những vụ điển hình minh chứng cho việc cơ chế chính sách chưa chặt chẽ, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến “cuộc chiến” của cơ quan quản lý với vấn nạn này khó khăn hơn. Nếu không xử lý nghiêm minh sẽ trở thành tiền lệ rất nguy hiểm, doanh nghiệp chấp nhận chi phí mất vài trăm triệu đồng tiền phạt hành chính để tha hồ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sợ bị xử lý hình sự.
Nguy hiểm hơn, các công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ bị nạn sản xuất phân bón giả phá hoại dẫn đến phá sản. Bởi vì doanh nghiệp làm ăn bài bản, đầu tư nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao khó cạnh tranh với nạn sản xuất phân bón giả như hiện nay. Do vậy phải nhanh chóng lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Bảo đảm tính răn đe của pháp luật
Rõ ràng, muốn dẹp phân bón giả, bên cạnh Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ, phải xây dựng nghị định về xử phạt, chế tài xử phạt hành vi sản xuất và tiêu thụ phân bón đủ sức răn đe. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đang xây dựng về cơ bản kế thừa quy định cũ, song tăng thêm và bổ sung các mức xử phạt, các hành vi như áp dụng mức cao nhất tăng gấp 7 lần, tước quyền và thu hồi các loại giấy chứng nhận. Trường hợp nếu không chấp hành thì sẽ tước quyền vĩnh viễn hoặc yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, mức phạt tiền được thiết kế ở khung hợp lý để phù hợp với tính chất, mức độ và quy mô vi phạm; tránh tùy tiện trong quá trình xử phạt, đồng thời có tính toán phù hợp với thẩm quyền của người được xử phạt, bảo đảm việc xử phạt được kịp thời và nhanh chóng. Tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất phân bón nhằm bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Đồng tình với dự thảo Nghị định, ông Trần Hùng, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, chế tài xử phạt phải thật nặng để các đối tượng vi phạm phải “cạch đến già”, không dám vi phạm. Ở Việt Nam, từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị phá sản vì sản xuất hàng giả, hàng nhái. Trong khi ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp vi phạm sản xuất hàng giả, mức phạt phải chịu lớn hơn rất nhiều lần doanh số thu được. Doanh nghiệp vi phạm ngay lập tức bị thu hồi giấy phép kinh doanh, nghĩa là doanh nghiệp coi như phá sản.
Tuy nhiên, ông Trần Hùng cũng cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý đủ sức răn đe, để cơ sở vi phạm không bao giờ dám tái phạm thì vấn đề cốt lõi nhất là cán bộ quản lý phải có tâm. Nhất là các hệ thống trung tâm khảo nghiệm, hàng rào kỹ thuật về pháp lý, minh bạch với nông dân, Nhà nước. Do vậy, cần làm rõ hoạt động tại các trung tâm khảo nghiệm để làm cơ sở pháp lý công bằng cho việc thực hiện Nghị định 108.