Cùng dự có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số ủy ban của Quốc hội là thành viên Đoàn giám sát; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn; đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành có liên quan.
Báo cáo của Thanh Hóa cho thấy, từ các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đó là, các giải pháp phòng, chống tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được phối hợp thực hiện hiệu quả; công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông được các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các lực lượng chức năng của công an tỉnh và lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông…
Nhờ đó, giai đoạn 2019 - 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 24%, số người chết giảm 7% và số người bị thương giảm 15% so với giai đoạn 2014 - 2018.
Tuy nhiên, Thanh Hóa cũng thẳng thắn cho biết, tình trạng tình hình tai nạn giao thông, va chạm giao thông vẫn còn ở mức cao, nhất là giao thông đường bộ; công tác phối hợp, xử lý vi phạm chưa quyết liệt, hiệu quả. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn diễn ra; hạ tầng giao thông phát triển chưa theo kịp yêu cầu do lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng…
Trên cơ sở đó, Thanh Hóa kiến nghị, Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, trước mắt xem xét, thông qua Luật đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chính phủ xem xét tăng nguồn kinh phí hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho các địa phương; bố trí kinh phí bảo đảm an toàn giao thông cho các lực lượng trực tiếp thực thi công vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở cấp xã, phường, thị trấn.
Đa số các đại biểu cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; số vụ tai nạn giao thông được kiềm chế, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, có ý kiến cũng chỉ rõ thực tế vẫn còn tình trạng xe ô tô chở quá tải, gây bức xúc trong dư luận xã hội; người đi xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm còn diễn ra nhiều trên các tuyến đường; còn tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm tốc độ…; số lượng các lối đi dân sinh, đường ngang tự phát do dân mở đi qua đường sắt còn nhiều, việc quản lý còn hạn chế…
Cho rằng, hiện nay lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng tạo nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn giao thông, một số ý kiến đề nghị, địa phương làm rõ nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn, từ đó, đưa ra những giải pháp, phương án khắc phục, hạn chế tối đa tai nạn.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Thanh Hóa; cho rằng, địa phương đã chỉ rõ thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của địa phương, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Thanh Hóa tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo, phục vụ các cuộc họp của Đoàn giám sát, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội. Trong đó, làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; xác định rõ trách nhiệm của ai, cấp nào, nhất là người đứng đầu và giải pháp khắc phục…